Từ năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi; sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện nghỉ hưu sớm. Quy định mỗi năm tăng thêm một tuổi (từ năm 2016 đến 2020) khiến nhiều người lao động có ngày sinh vào cuối năm đã rơi vào cảnh… không nghỉ hưu được.
Bà Trần Thị Khánh Linh (sinh ngày 12-12-1970, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận 12). Bà Linh dạy học liên tục từ năm 1991 đến hết tháng 8-2016, có thời gian đóng BHXH 26 năm 8 tháng. Do sức khỏe suy giảm, bà Linh xin nghỉ việc và được UBND quận 12 chấp thuận cho thôi việc kể từ ngày 1-9-2016. Sau khi thôi việc, sức khỏe bà Linh ngày càng yếu, được Hội đồng Giám định y khoa TPHCM kết luận suy giảm khả năng lao động 62%. Tiếp đó, bà Linh làm thủ tục nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, lúc này bà Linh mới hay mình… không đủ điều kiện được nghỉ hưu sớm. “Tại thời điểm ngày 1-1-2017, điều kiện hưởng lương hưu đối với nữ là đủ 47 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Do đó, bà Linh sinh ngày 12-12-1970, 46 tuổi, bị suy giảm khả năng lao động 62%, là chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu”, ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH TPHCM), giải thích vào ngày 12-12-2016.
Từ đó đến nay, 1,5 năm đã trôi qua, bà Linh vẫn chưa được nghỉ hưu. Sở dĩ bà Linh rơi vào tình cảnh không được nghỉ hưu vào các năm 2016, 2017 và thậm chí là 2018, 2019 là bởi ngày sinh của bà rơi vào tháng 12 cuối năm. Đến ngày 12-12-2016 (tròn 46 tuổi), bà Linh mới đủ điều kiện làm thủ tục nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu là tháng kế tiếp (tháng 1-2017). Tuy nhiên, sang tháng 1-2017, lúc này điều kiện tuổi nghỉ hưu quy định trong luật đã là… 47 tuổi (bà Linh được 46 tuổi 18 ngày). Muốn đủ điều kiện nghỉ hưu, bà phải đợi đến ngày 12-12-2017 (tròn 47 tuổi), và tất nhiên, khi bà Linh làm thủ tục xong, luật đã áp dụng quy định của năm tiếp theo - 2018 - là 48 tuổi. Cứ như vậy, bà Linh “chạy theo” luật và năm nào cũng rơi vào thế kẹt như trên. “Thu nhập từ công việc không còn, lương hưu thì chưa có nên cuộc sống của tôi đang rất khó khăn. Những năm gần đây, sức khỏe suy giảm trầm trọng, tôi phải đi khám bệnh thường xuyên, rất tốn kém và cần nhất là thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng giờ cũng không được nghỉ hưu để được cấp thẻ BHYT”, bà Trần Thị Khánh Linh chia sẻ.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Sơn (sinh ngày 22-12-1965, ngụ quận Thủ Đức) có 24 năm công tác ở Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam cũng rơi vào cảnh không được nghỉ hưu sớm. Cuối năm 2017, ông Sơn có kết quả giám định suy giảm 67% khả năng lao động. Số năm công tác, đóng BHXH và điều kiện về suy giảm khả năng lao động của ông Sơn đã thỏa mãn (có trên 20 năm đóng BHXH, suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên). Song về tuổi đời, cứ khi ông Sơn đủ tuổi thì quy định của luật đã tính sang mốc mới, tăng 1 tuổi nữa, và ông Sơn lại phải… đợi.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho hay hiện có nhiều người sinh vào tháng 12 cuối năm đang “mắc kẹt” về tuổi để được nghỉ hưu sớm. Với các trường hợp này, không còn cách nào khác là đợi đến năm 2020, khi luật cố định về điều kiện tuổi nghỉ hưu sớm là “nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi”, không mỗi năm tăng 1 tuổi như giai đoạn 2016-2020, thì mới thỏa mãn điều kiện về tuổi. Phó Giám đốc BHXH TPHCM chia sẻ, luật đã quy định rõ như vậy nên người lao động có đặc điểm: nam sinh vào tháng 12-1965, nữ sinh tháng 12-1970; suy giảm sức khỏe 61% trở lên, cần hết sức thận trọng, không nên nghỉ việc để nghỉ hưu sớm trước năm 2020. Như vậy, sẽ tránh rơi vào tình cảnh nghỉ việc mà không được nghỉ hưu.