Trong lịch sử kiến trúc xây dựng thế giới, đã có một công trình mà trong vòng 5 tháng cuối để hoàn tất đã có trên 6 triệu lượt khách tìm đến xem, trầm trồ khen ngợi là “một công trình của văn minh hiện đại tượng trưng cho đời sống văn hóa Anh”. Nhưng sau khi nghiên cứu minh họa bản vẽ điển hình, giữa tính thiết thực và quá trình thi công, thì với nghề kiến trúc, không công nhận là một công trình mẫu để có thể nhân rộng, phát triển, đó là công trình “Cung điện pha lê”-Crystal Palace xây trong công viên Hyde, thủ đô London, Anh.
Nghề kiến trúc không công nhận, có lẽ là do khởi thủy từ sáng kiến của một người thợ làm vườn, đến khi công ty nhà thầu Joseph Paxton loại cả trăm hồ sơ dự thầu đã đưa ra một bản vẽ với kết cấu và phương án thi công được mô tả là “không giống ai đối với nghề xây dựng”. Khái quát gồm mấy điểm cơ bản như: Một ngôi nhà lộng kính 3 tầng sử dụng đến 293.655 tấm kính cỡ 1,2m nhưng kính chỉ có độ mỏng đến 2mm, đã thế xem vỏ bao gồm gỗ và kính như một hằng số có hệ thống lặp đi lặp lại.
Hệ thống cột thì đúc ống gang rỗng để làm hệ thống dẫn nước kể cả xử lý nước mưa. Ngược nghề xây dựng nhất là không dùng giàn giáo mà dùng máng gỗ chuyển tải vật liệu bằng xe rùa đẩy tay và chỉ dùng dây tời để nâng các khối lắp đặt, theo kiểu nhà tiền chế từ dưới đất lên. Một điểm sai trong nghề xây dựng là Paxton đã nhờ hãng Ford tư vấn theo kỹ thuật lắp ráp dây chuyền như sản xuất ô tô và nhóm thợ xây ở đây được coi như những “linh kiện độc lập” trong guồng máy sản xuất, với tốc độ 80 thợ có thể lắp ráp 180 tấm kính/tuần.
Cung điện Pha lê được khai sinh và có đời sống khá lạ lùng. Đó chỉ là một mẫu nhà chỉ để triển lãm, tuổi thọ chỉ có 1 năm. Năm 1850 do sáng kiến của Hiệp hội nghệ thuật Hoàng gia Anh muốn xây dựng một mẫu nhà để chỉ triển lãm mẫu nhà pha lê. Sau đấu thầu và thi công 10 tháng, ngày 1-5-1851, Nữ hoàng Victoria đến cắt băng khánh thành thì năm 1852 phải dỡ bỏ. Paxton mua lại cấu kiện, đem lắp ráp tại khu Nam London làm nơi hòa nhạc và triển lãm hàng hóa. Nhưng chỉ đến năm 1936 thì bị hỏa hoạn tiêu hủy hoàn tòan.
Cung điện pha lê chiếm diện tích 7,7 ha, kể cả vườn cổ thụ bao bọc. Diện tích xây dựng 554m x 122m, chiều cao gian giữa 33m, hai cánh ngang 124m; ngoài kính, còn sử dụng 55.762m3 gỗ và 4.500 tấn gang và sắt. Tuy nghề kiến trúc không công nhận về thực chất nội dung thi công, nhưng về mẫu hình thức thì được nhân bản với các công trình như Cung điện thủy tinh New York l853, Glaspalast Munich 1854, Palacio de Crystal Porto 1865 hay Eaton Center Toronto và Informat Texas.
Lê Văn Sâm