Phải hành xử đúng đạo đức và pháp luật
Mạng xã hội đang bị một số người mưu đồ biến thành công cụ để lợi dụng vào mục đích xấu, hãm hại người khác. Điều 66 Nghị định 174/2013 (về xử phạt trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông) quy định phạt 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi cung cấp, trao đổi, đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, gây rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự, nhân phẩm uy tín của cá nhân người khác. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
Nói xấu, vu khống, lăng mạ người khác trên mạng xã hội không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi thiếu tự trọng và thiếu đạo đức. Đã có những trường hợp nạn nhân bị trầm cảm nặng, thậm chí tự tử vì không vượt qua được áp lực bởi những lời nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội. Dù biết rằng ai cũng đều có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm cá nhân, nhưng hãy lắng nghe từ nhiều phía và bình tâm suy nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra, trước khi đưa ra những lời bình phẩm vu khống, nói xấu bất cứ ai hoặc bất cứ vấn đề gì.
NGUYỄN VĂN HOÀNG (quận Gò Vấp, TPHCM)
Xử lý hiệu quả hành vi phạm pháp
Trên mạng xã hội đang có rất nhiều thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật một cách trắng trợn, thậm chí bịa đặt hoàn toàn, đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, có khi còn ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Nhiều quy định pháp luật và nhiều biện pháp xử lý đã được thực thi; nhiều vụ việc, cá nhân liên quan đã bị xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không giảm mà ngày càng gia tăng phức tạp, nguy hiểm.
Để chấn chỉnh, xử lý hiệu quả tình trạng vu khống, nói xấu trên mạng xã hội, trước hết phải tăng chế tài, kể cả chế tài hành chính lẫn hình sự. Theo đó, bên cạnh xử phạt nghiêm khắc các hành vi vu khống, nói xấu, bịa đặt thì phải xử lý nhanh, rốt ráo yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vu khống, bịa đặt gây ra với cá nhân, tổ chức. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu, nhận thức được tác hại tiêu cực của hành vi vu khống, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội và chế tài họ phải gánh chịu nếu thực hiện hành vi này.
Luật gia VĨNH LINH (TP Kon Tum)
Chung tay làm lành mạnh mạng xã hội
Lâu nay, chuyện viết status, đăng hình ảnh trên Facebook hoặc một số mạng xã hội khác để nói xấu, vu cáo người khác không hề là chuyện hiếm. Không cần kiểm chứng, nhiều người dùng mạng xã hội ào ào vào bình luận khiếm nhã, chửi hùa theo, dù không biết, không rõ thực hư ra sao, và còn chia sẻ, phát tán rộng rãi trên mạng xã hội.
Pháp luật đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin độc hại xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Do đó, nạn nhân bị vu khống, nói xấu nên lập vi bằng, thu thập chứng cứ để tố cáo kẻ có hành vi gây ảnh hưởng danh dự và uy tín của mình. Việc ngăn chặn thông tin vu khống, bôi nhọ, để bảo vệ danh dự là điều cần làm, bởi nếu không xử lý kịp thời thì hậu quả sẽ rất lớn, những “vết sẹo trên mạng” sẽ rất khó tẩy xóa.
Trước đây, mạng xã hội được xem là “ảo” nhưng bây giờ một số thông tin vu khống, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội đều có thể là chứng cứ để xem xét, truy cứu trách nhiệm. Vấn đề quản lý không gian mạng cần sự chung tay của cộng đồng, chứ không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Mỗi người khi tương tác trên thế giới ảo hãy tỉnh táo để cùng chung tay làm lành mạnh mạng xã hội, nói không với hành vi phát tán tin giả, tin vu khống, bôi nhọ người khác.
QUỲNH THY (quận 9, TPHCM)