Hôm nay, ngày 1-12, ông Enrique Pena Nieto nhậm chức Tổng thống Mexico trong bối cảnh cuộc chiến diệt trừ các băng đảng tội phạm ma túy ở quốc gia Trung Mỹ này ngày càng khó khăn. Phát biểu trước truyền thông ngày 29-11, ông Pena Nieto nhấn mạnh vũ khí tối ưu nhất trong cuộc chiến chống ma túy chính là tạo thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế.
Thiếu việc làm cũng như vắng bóng những chương trình xã hội đã đẩy thanh thiếu niên Mexico vào tình thế không còn sự lựa chọn nào ngoài việc gia nhập các băng đảng phạm tội. Tân Tổng thống Mexico cũng đã có buổi làm việc với Tổng thống Mỹ B.Obama để bàn về kế hoạch thắt chặt hợp tác, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân Mexico trong khu vực. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, hợp tác kinh tế trở thành nội dung chính trong chương trình nghị sự giữa lãnh đạo hai nước.
Từ năm 2007, kế hoạch Merida do cựu Tổng thống George W. Bush khởi xướng được áp dụng đến nay đã ngốn mất 2 tỷ USD của chính quyền Mỹ nhưng không đạt hiệu quả như mong đợi. Họ ưu tiên dùng vũ lực để có được những “thành tích”: bắt sống, giết tại chỗ các thủ lĩnh khét tiếng. Trong suốt nhiệm kỳ 6 năm của cựu Tổng thống Mexico Felipe Caderon, 60.000 người đã thiệt mạng bất chấp những nỗ lực không ngừng của chính quyền trong việc tuyên chiến với các băng đảng. Rõ ràng, cách mà Mỹ và cựu Tổng thống Felipe Caderon theo đuổi dường như ít tác dụng, khiến người dân Mexico hoang mang, tình trạng bạo lực ở quốc gia này vẫn gia tăng. Những thế lực cạnh tranh thanh toán lẫn nhau, sát hại dân thường càng khiến cuộc chiến trở nên phức tạp. Khi một băng nhóm này bị tiêu diệt thì có băng nhóm khác đứng lên khẳng định tên tuổi, khó cắt đứt được tận gốc mầm mống bạo lực.
Do tình trạng thất nghiệp gia tăng, giới trẻ chỉ có con đường để mưu sinh là gia nhập một băng nhóm nào đó. Tờ Excelsior của Mexico đã công bố báo cáo cho thấy hiện ở nước này có 8 triệu người trong độ tuổi 18 - 30 (chiếm 20% nhóm này) thất nghiệp. Chiapas và Michoacan là hai bang có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất Mexico, trên 25%. Những ni-nis (cách gọi các đối tượng không học vấn, không nghề nghiệp) ban đầu là con nghiện ma túy, sau đó trở thành công cụ phục vụ đắc lực trong các băng nhóm. Vòng xoáy ngày càng bị khoét sâu. Nền kinh tế lâm vào trì trệ từ những năm đầu thập niên 1990, đồng peso liên tục trượt giá dẫn đến vết trượt dài cho Mexico.
Nhiều năm qua, bạo lực cướp đi khả năng cạnh tranh của Mexico trên trường quốc tế. Mỹ hiện là đối tác kinh tế lớn nhất của Mexico nhưng không vì lẽ đó mà Mexico quá phụ thuộc Mỹ trong việc giải quyết công việc nước mình. Đó là lời khẳng định của ông Pena Nieto. Điều mà người dân Mexico cần là động lực phát triển kinh tế để đẩy lùi bạo lực, chứ không phải dùng bạo lực để đối đầu bạo lực.
Như Quỳnh