Từ bỏ thói hung hãn
Tối chủ nhật tuần rồi, lúc đi trên đường Hùng Vương (quận 5, TPHCM), tôi đã chứng kiến một cuộc ẩu đả không đáng có. Khi lùi xe, bác tài taxi vô tình làm ngã chiếc xe máy đậu bên lề đường. Ngay lập tức, 2 thanh niên dùng đá đập bể nát kính taxi này. Cũng may là bác tài nhẫn nhịn, im lặng, cố thủ trong xe cho qua chuyện, sau đó 2 thanh niên bỏ đi. Nếu bác tài cũng hung hăng như 2 thanh niên kia, chắc chắn sẽ xảy ra một vụ hành hung.
Sáng thứ hai hôm sau, tôi lại tiếp tục chứng kiến một vụ ẩu đả trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM). Lúc quẹo cua, bác tài xe ba gác đã ép một xe máy vào con lươn khiến người đi xe máy ngã xuống mặt đường (nhưng chỉ trầy nhẹ). Tài xế vội xuống phụ đỡ xe, nhưng chưa kịp thì bị 3 thanh niên đã nhảy vào đánh đấm, rồi rồ ga bỏ đi.
Gần đây, báo chí đã đưa rất nhiều tin về những trường hợp tương tự. Có sự việc khiến nạn nhân bị thương tích nặng, hoặc tử vong. Khi bị bắt, kẻ hung hãn hối hận thì cũng đã muộn màng. Lẽ ra có thể hóa giải những vụ va quẹt, nếu biết điềm tĩnh nhìn lại vấn đề. Chỉ vài phút hung hãn, có thể gây ra những hệ lụy đau lòng cho cả hai bên.
Ở khía cạnh khác, việc hung hăng như thế sẽ tạo ra một hiệu ứng văn hóa xấu từ giới trẻ (bắt chước) trong mọi trường hợp. Sâu xa hơn, khách quốc tế sẽ e dè khi đến đất nước chúng ta đầu tư, tham quan du lịch, trao đổi văn hóa.
Vì vậy, mong mọi người nên từ bỏ thói hung hãn, cần kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh xử lý tình huống một cách có văn hóa. Nếu đôi bên không hòa giải được có thể nhờ đến cơ quan chức năng xử lý.
NGUYỄN HOÀNG DUY, quận Bình Tân, TPHCM
Người có ý thức sẽ không hung bạo
Bản chất của người Việt Nam vốn hiền lành, thân thiện, thế nhưng những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia tăng đột biến. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội liên tục đưa những thông tin về việc người dân có hành vi hành hung, đánh đập dã man những người bị tình nghi là bắt cóc trẻ em, kẻ ăn trộm chó, người lỡ va quẹt khi lưu thông trên đường, thậm chí chống trả, tấn công người thi hành công vụ.
Việc hành hung người khác thể hiện tính hung bạo, muốn giải quyết vụ việc bằng “nắm đấm”, không cần biết lý lẽ, pháp luật. Đây là hành vi phạm pháp rất nguy hiểm, đe dọa, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, cố tình hãm hại người khác.
Người có ý thức sẽ không hung bạo. Chính vì vậy, mỗi người cần dẹp bỏ ngay tính hung bạo trong bản thân mình, bình tĩnh xử lý chuyện bất đồng đúng pháp luật. Nếu có bắt đúng người phạm tội cũng không nên đánh đập, mà hãy gọi điện thoại cho cơ quan chức năng đến xử lý theo đúng thẩm quyền. Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân những quy định pháp luật liên quan đến việc bắt, hành hung, phá hoại tài sản người khác và chống người thi hành công vụ. Thông tin rõ hậu quả pháp lý khi thực hiện hành vi quá khích, trái pháp luật.
Sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người là điều không được xâm phạm dù trong hoàn cảnh nào. Mỗi người dân cần biết kiềm chế, bình tĩnh trước mỗi sự việc, tránh tình trạng dùng bạo lực, vi phạm pháp luật sẽ vướng vào vòng lao lý.
VĂN THI HOÀNG, Trường THCS Phan Bội Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam
Đề cao vai trò giáo dục
Thời gian gần đây, từ đường phố đến trường học ngày càng xảy ra nhiều vụ bạo lực, kiểu tự cho mình có thể thay mặt pháp luật để xử lý các vụ việc. Theo lý giải của các nhà tâm lý học, tâm lý căng thẳng, bất an ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân. Đó có thể từ những lo toan trong cuộc sống, từ chuyện ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, từ phân hóa giàu nghèo, nạn quan liêu nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, đã làm bất bình, âm thầm tạo nên tâm lý ứng xử lệch lạc, bức bối trong một một bộ phận không nhỏ người dân.
Để góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng ứng xử bạo lực phát triển thành căn bệnh xã hội trầm kha, trước tiên cần đề cao vai trò của giáo dục từ nhà trường đến gia đình, mà thầy cô, cha mẹ phải làm gương. Kế tiếp là trách nhiệm của xã hội trong việc đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị bằng việc khen thưởng, xử phạt cụ thể. Đồng thời là vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực truyền thông, kịp thời xử lý các trường hợp tung tin sai sự thật, kích động hành vi bạo lực, a dua theo đám đông.
Các trường hợp gây hậu quả phải tăng chế tài xử phạt và được pháp chế hóa bằng các quy định trong luật hay nghị định, phải được thực thi nghiêm minh từ cơ sở. Cần tăng cường vai trò của truyền thông trong đề cao cái tốt, tăng cường tính giáo dục và lên án, phê phán các hành vi lệch chuẩn.
QUANG PHÚ, quận 1, TPHCM