Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa được nhiều trường đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển. Chất lượng của hội đồng chấm thi sẽ là một trong những cơ sở để chứng minh công tác coi thi vừa qua có tốt hay không.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia thi THPT cho rằng, để đảm bảo chấm đúng, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực, các thầy cô giáo làm công tác chấm thi phải gạt hết áp lực khác, xác định rõ ràng tinh thần vì học sinh và chỉ có một áp lực là làm sao chấm đúng cho học sinh. Các thầy cô làm công tác chấm thi phải nắm chắc quy chế, hướng dẫn, rõ quy trình chấm. Trong đó có nguyên tắc chấm tự luận 2 vòng độc lập, việc thống nhất điểm giữa 2 người chấm, tổ chức chấm chung nghiêm túc. Thứ trưởng khẳng định, sự chênh lệch giữa 2 giám khảo càng giảm, chất lượng chấm càng tốt. Sau khi công bố kết quả thi, càng ít thí sinh xin phúc khảo bài thi càng tốt vì số lượng xin phúc khảo cũng phản ánh chất lượng của khâu chấm thi.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các địa phương cần lựa chọn những bài điểm cao để chấm kiểm tra lại, qua đó khẳng định những bài điểm cao là đúng với năng lực thí sinh. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm chấm kiểm tra với ít nhất 5% số bài thi và quá trình làm đảm bảo có cơ chế giám sát lẫn nhau. Trong quá trình chấm thi, cái gì có lợi nhất cho thí sinh các thầy cô cố gắng làm, tránh làm mất điểm của thí sinh. Bởi, nếu chấm không chính xác sẽ mang lại thiệt thòi cho các em. Khi chấm thi, giáo viên cần đặt địa vị mình là thí sinh để có đánh giá công bằng, chính xác.
Bên cạnh đó, giáo viên làm công tác chấm thi cần cẩn trọng ở khâu cộng điểm để không cộng sót điểm trong bài thi của thí sinh. Đặc biệt, giám khảo chấm thi cần bảo mật nội dung bài thi của thí sinh, không đưa nội dung bài làm, kết quả của thí sinh lên mạng xã hội để bình luận.
Dự kiến, ngày 24-7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022.