Chiều 24-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự án luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (còn gọi đặc khu).
Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 2 lần cho ý kiến vào dự thảo luật; Bộ KH-ĐT đã 3 lần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để làm cơ sở phối hợp với cơ quan thẩm tra giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan.
Dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần, đến nay dự thảo luật gồm 6 chương, 84 điều, 6 phụ lục. So với dự thảo đã trình Quốc hội trước đó nay đã bổ sung 26 điều (bổ sung mới 15 điều, tách- nhập 11 điều); bỏ 29 điều. Hiện cơ quan soạn thảo đang hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới đây. Việt Nam sẽ xây dựng 3 đặc khu: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).
Theo Bộ KH-ĐT là cơ quan chủ trì soạn thảo luật, hiện nay các ý kiến còn khác nhau về cơ chế ưu đãi tài chính, đất đai... Nhiều ý kiến nói phải có chính sách đặc khu đột phá để bảo đảm cạnh tranh. Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng đây đều là những khu vực thuận lợi vì vậy không nên có nhiều cơ chế ưu đãi.
Tại hội nghị phản biện, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các vị trong Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát biểu thẳng thắn, phản biện nhiều vấn đề mà dự thảo luận chưa rõ hoặc đang gây ý kiến trái chiều trong dư luận.
Đa số ý kiến cho rằng, về cơ chế ưu đãi của đặc khu, phải làm sao có hệ thống thể chế đầu tư tốt để hút các nhà đầu tư, tức là phải có tổ đẹp cho đại bàng vào làm tổ. Chúng ta nên tập trung vào thể chế tốt hơn là ưu đãi. “Nhưng chúng ta làm luật đang tập trung vào ưu đãi nhiều hơn là làm thể chế. Thể chế mà không tốt thì đầu tư không vào. Ít tiền thì phải tạo ra thể chế vượt trội. Luật đặc khu phải tạo ra vùng để phát triển”, GS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phát biểu.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Phó trưởng Ban Tuyên truyền - Lý luận, Báo Nhân dân cho rằng, nên học Hồng Kông, Singgapore khi xây dựng đặc khu, theo đó có thể hạ thuế bằng 0, nhưng riêng đất thì phải giữ để giữ chủ quyền quốc gia. Vì vậy, không đồng ý thời hạn sử dụng đất sản xuất, kinh doanh tại đặc khu tối đa là 99 năm đối với một số dự án đặc biệt. Thay vào đó ông Phong đề nghị chỉ giữ mức 60 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70. Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cũng đề nghị thận trọng trong việc miễn giảm thuế đất. Phải định rõ tiêu chí miễn thuế đất, ví dụ sau thời gian họ chuyển nhượng sử dụng không đúng mục đích ban đầu, luật không hề quy định.
GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và chính trị thế giới cho rằng không nên có luật này, hoặc nếu có chỉ thu hút đầu tư nước ngoài, như cách nhiều quốc gia xây dựng đặc khu đã làm, còn như ta hiện nay xây dựng đặc khu thì các nhà đầu tư chiến lược trong nước họ "thâu tóm" hết. Ông cũng cho rằng, không cần luật, chỉ cần có nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thu hút đầu tư nước ngoài vào đặc khu, và định hướng đặc khu phải là: đô thị cao cấp dịch vụ cao cấp, công nghệ cao. Chỉ cần thể chế tốt là họ vào đầu tư, không cần ưu đãi, càng ưu đãi nhiều tham nhũng càng lớn.