BOT là dự án đầu tư công
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để đảm bảo thống nhất với quy định về dự án đầu tư công, UBTVQH không quy định loại trừ dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Đồng thời, Luật Quản lý đầu tư theo phương thức PPP đang được nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, vì vậy, dự thảo Luật Đầu tư công trình Quốc hội lần này đã quy định đối tượng của đầu tư công có bao gồm “đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư”.
Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật khi luật quản lý đầu tư theo phương thức PPP được ban hành, dự thảo quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án và quyết định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo phương thức PPP thực hiện theo quy định của pháp luật, trừ dự án quan trọng quốc gia.
Về thẩm quyền của HĐND các cấp trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, UBTVQH cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A; UBND có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C nhằm tăng cường đẩy mạnh phân cấp cho địa phương (trừ các dự án đã quy định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Dự thảo luật).
Bên cạnh đó, để có thể thực hiện phân cấp linh hoạt, phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của các địa phương, dự thảo Luật bổ sung quy định: “Trong trường hợp cần thiết, HĐND quyết định việc giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản này phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương”.
Đối với dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn hỗn hợp thuộc nhiều cấp ngân sách khác nhau, để bảo đảm quy định rõ ràng, dễ hiểu, khả thi và tăng cường phân cấp phù hợp với Luật NSNN, dự thảo bỏ quy định về chương trình, dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn hỗn hợp (điểm b khoản 7 và điểm b khoản 8 Điều 17 của dự thảo Luật trình Quốc hội). Đồng thời, chỉnh lý quy định phân cấp rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư theo hướng dự án thuộc quyền quản lý của cấp nào thì do HĐND cấp đó quyết định, bao gồm cả phần vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên. Quy định này đã bao quát đối với trường hợp dự án sử dụng nhiều nguồn vốn hỗ hợp thuộc các cấp khác nhau.
Quốc hội khoá trước chuẩn bị, Quốc hội khoá sau phê duyệt đầu tư công trung hạn
Khác với đề xuất của cơ quan soạn thảo, UBTVQH đề nghị giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành (dự án quan trọng quốc gia có mức vốn từ 10.000 tỷ đồng do Quốc hội quyết định). Các ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình), Lê Thanh Vân (Cà Mau), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)… đều tán thành phương án này.
Về thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ĐB Hoàng Quang Hàm nhận định, việc đặt ra vấn đề sửa đổi thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn, chưa được đánh giá kỹ tác động.
Trong bối cảnh việc ngân sách trung ương đầu tư hàng ngàn công trình chưa thể khắc phục ngay, cải thiện chất lượng kế hoạch Chính phủ trình không thể một sớm, một chiều, ĐB Hoàng Quang Hàm ủng hộ phương án giữ như Luật hiện hành là Chính phủ trình Quốc hội danh mục, mức vốn để Quốc hội thảo luận nhưng không quy định cứng Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án. Tùy chất lượng kế hoạch, Quốc hội có thể quyết định hoặc giao cho UBTVQH quyết định hoặc giao cho Chính phủ quyết định sau khi xin ý kiến của UBTVQH như đang làm hiện nay.
Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, ĐB Hoàng Quang Hàm lựa chọn phương án 1, theo đó, Quốc hội khóa trước chuẩn bị, Quốc hội khóa sau quyết định.
Vốn giải ngân chậm chủ yếu là do nhận thức và hành động của bộ, ngành, địa phương
Trong khi đó, các ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận định, tình trạng vốn giải ngân chậm trễ hiện nay chủ yếu là do nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương.
Theo các ý kiến này, rất nhiều công trình, dự án không chấp hành đầy đủ quy định, quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công, nên phải làm đi, làm lại mất rất nhiều thời gian, khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Cũng phải lưu ý thêm rằng việc đầu tư công trình, dự án bằng nguồn vốn nhà nước không chỉ phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, mà còn phải đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai…
Là một thành viên tham gia xây dựng Luật Đầu tư công, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch một phần là do yếu tố khách quan không lường hết được, phần khác do đặt kế hoạch quá cao. Còn quy trình, thủ tục đầu tư công của Việt Nam hiện nay là khá tương đồng với thông lệ, quy định và chuẩn mực quốc tế.
"Tiền vốn đầu tư công, dù là tiền ngân sách nhà nước, tiền đi vay trong nước (phát hành trái phiếu chính phủ), tiền vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài… đều là tiền thuế của dân; đầu tư công tác động tới bội chi, nợ công, nên nếu quy trình, thủ tục không chặt chẽ, năm nào đầu tư cũng đạt kế hoạch, vượt kế hoạch, đầu tư dàn trải, đầu tư khi chưa biết chắc nguồn vốn lấy ở đâu, khiến công trình, dự án dở dang, đầu tư vào công trình, dự án chưa thực sự cần thiết, thậm chí là không cần thiết, thì lãng phí vô cùng lớn”, ĐB Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.