“Nắm chắc quy chế, chuẩn bị các điều kiện, kiểm soát tình hình, xử lý tình huống”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh như vậy trong trả lời phỏng vấn với PV Báo SGGP khi đề cập đến những yêu cầu về công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
PHÓNG VIÊN: Cục trưởng có thể cho biết, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã được Bộ GD-ĐT và các địa phương triển khai đến đâu?
Ông MAI VĂN TRINH: Tuần qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 đến nhiều địa phương trong cả nước. Nhìn chung tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi về cơ bản đã hoàn thành. Các tỉnh cũng rà soát tất cả trường hợp thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để có phương án hỗ trợ về tài chính, đi lại, ăn ở. Các địa phương cũng đã lắp đặt camera theo quy định, cử cán bộ công an giám sát hình ảnh camera 24/24 giờ… Việc bố trí cán bộ, giáo viên coi thi dự phòng đảm bảo tỷ lệ giảng viên đại học và giáo viên phổ thông là 50/50. Cho tới thời điểm này, chưa địa phương nào phàn nàn với bộ về thiếu nhân sự coi thi là giảng viên đại học. Trong khi đó, công tác chuẩn bị thi của các địa phương hiện cũng rất chu đáo, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT luôn lưu ý các địa phương, dù chuẩn bị chu đáo tới đâu, trong thực tế vẫn có thể phát sinh nhiều tình huống ngoài dự đoán, do vậy không được chủ quan.
Sự cố gian lận thi cử năm 2018 để lại hậu quả nặng nề. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng. Vậy, Bộ GD-ĐT đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ như thế nào?
Để bảo đảm kỳ thi năm nay diễn ra an toàn, khách quan, trung thực, không xảy ra sự cố như năm 2018, Bộ GD-ĐT đã tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi. Công an các địa phương được giao nhiệm vụ cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao. Bởi vì không chỉ tai nghe, còn có kính lắp camera, nghe lén dưới dạng thẻ ATM, bút tàng hình viết (không nhìn được nhưng khi có đầu ngược lại có tia cực tím chiếu vào có thể đọc được), camera cúc áo… Vì vậy, cán bộ coi thi cần chú ý để kiểm soát ngay từ khi thí sinh vào phòng thi.
Bộ cũng yêu cầu điều động các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH-CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Cùng với đó là tăng cường thanh, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử. Năm nay, Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ. Bộ đã sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi. Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do sở GD-ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, sẽ cách ly triệt để việc làm phách; bốc thăm, phân chia túi chấm ngẫu nhiên, chấm kiểm tra 2 vòng độc lập; 5% các bài thi môn Ngữ văn đạt kết quả cao sẽ được chọn mang ra chấm kiểm tra. Với việc chấm thi trắc nghiệm, toàn bộ dữ liệu chấm thi trắc nghiệm đến đâu mã hóa đến đó và do các đại học chủ trì. Với những giải pháp này, Bộ GD-ĐT tin là sẽ không để xảy ra sự cố gian lận thi cử như năm 2018.
Phương án thi, các giải pháp kỹ thuật dù có hoàn hảo đến đâu cũng không thể tuyệt đối an toàn nếu nhân tố con người không được bảo đảm, thưa ông?
Đúng thế. Bộ GD-ĐT năm nay đặc biệt yêu cầu các địa phương phải lựa chọn cán bộ có phẩm chất, có trách nhiệm tham gia kỳ thi, đặc biệt ở những vị trí trọng yếu để thực hiện kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Chúng tôi đã yêu cầu tập huấn các nghiệp vụ, công tác tư tưởng cho các cán bộ thực hiện kỳ thi, bảo đảm tất cả các cán bộ tham gia kỳ thi có tinh thần trách nhiệm cao và kiến thức tốt; lựa chọn đội ngũ các trưởng điểm thi tinh thông, nghiêm túc, có năng lực. Chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm cán bộ coi thi, quy trình phát đề thi trắc nghiệm. Việc này nếu không làm nghiêm túc, đúng quy trình sẽ dẫn đến tình huống gian lận. Việc niêm phong túi đựng bài thi phải làm tem niêm phong. Năm nay cũng sẽ tăng cường số lượng cán bộ giám sát tại các điểm thi.
Để phòng gian lận thi cử, năm nay, bộ đã xác định rõ trách nhiệm của các ban ngành, bộ phận và các cá nhân. Gian lận theo cách truyền thống là bắt tay nhau để nâng điểm thì vẫn có thể xảy ra, do đó nguyên tắc là phòng hơn chống. Thực tiễn tổ chức thi nhiều năm qua cho thấy quy trình chặt chẽ, thiết bị hiện đại nhưng công tác cán bộ làm thi không tốt thì vẫn xảy ra tiêu cực. Vì vậy cần lựa chọn cán bộ trách nhiệm, có tinh thần, uy tín. Cùng với đó, phải bảo đảm các điểm thi có camera giám sát tủ đựng đề thi, bài thi hoạt động 24/24 giờ. Hệ thống tủ đựng đề thi, bài thi phải được khóa và niêm phong với đủ chữ ký của trưởng và phó trưởng điểm thi, chìa khóa do cán bộ quản lý giữ theo đúng quy định, có cán bộ công an trực 24/24 giờ.
Chúng tôi quan điểm, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải chặt chẽ, đúng quy chế, nghiêm túc nhưng không tạo không khí căng thẳng, để thí sinh có tâm lý thoải mái tham gia kỳ thi. Tất cả các khâu trong kỳ thi THPT quốc gia phải đầy đủ, theo đúng quy trình, không bỏ qua, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất.
Xin cảm ơn ông!