Theo truyền hình DW, Chính phủ Đức hiện đang giải quyết 2 trong số những thách thức cấp bách nhất mà đất nước phải đối mặt: sự gia tăng của phe cực hữu và sự suy giảm nhân khẩu học dài hạn. Theo các nhà kinh tế, sự suy giảm nhân khẩu học có thể đe dọa sự thịnh vượng của đất nước. Đức bắt buộc cần nhiều lao động nhập cư hơn. Chính phủ Đức gần đây đã đưa ra một đạo luật nhằm hạ thấp các rào cản quan liêu đối với việc xin việc ở Đức, nhưng bầu không khí chính trị lại đang khó kiểm soát hơn. AfD, đảng cực hữu chống nhập cư, hiện là lực lượng chính trị lớn nhất ở một số bang miền Đông và chủ nghĩa dân túy của đảng này đang tiếp cận các cử tri mới. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã tổng kết ngắn gọn: “Rủi ro lớn nhất đối với miền Đông nước Đức là AfD”.
Tình trạng phân biệt chủng tộc là một vấn đề khó có thể phủ nhận ở Đức. Một báo cáo do chính phủ ủy quyền vào tháng 6 kết luận rằng phân biệt chủng tộc chống người Hồi giáo đang lan rộng và diễn ra hàng ngày. Điều đó được anh Shivam Mehrotra, nhà quản lý công nghệ thông tin người Ấn Độ làm việc cho một công ty ở Brandenburg (một trong những bang mà AfD hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận) minh chứng.
Mehrotra, từng làm công việc tư vấn cho người nhập cư, khuyên những người Ấn Độ đang nghĩ đến việc chuyển ra nước ngoài lưu ý đến bối cảnh phân biệt chủng tộc ở Đức. Theo anh, đó không phải là yếu tố quyết định có nên đến Đức hay không mà là yếu tố cần cân nhắc.
Anh Mehrotra cho biết bản thân may mắn không gặp nhiều sự kỳ thị chủng tộc trong thời gian ở Đức, nhưng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực hữu khiến anh lo lắng. “Nó tác động đến tôi,” người đàn ông 33 tuổi nói. Tuy nhiên, anh tin rằng nước Đức trân trọng các giá trị bình đẳng và đa dạng.
Các nhóm chuyên gia tư vấn như Quỹ Bertelsmann hay các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tiến hành nghiên cứu thường xuyên xem điều gì làm cho các quốc gia trở nên hấp dẫn đối với người nhập cư. Họ đã phát hiện ra rằng những yếu tố quan trọng nhất là thu nhập tiềm năng, triển vọng nghề nghiệp và chất lượng cuộc sống. Trong tất cả những điều đó, Đức có vị thế khá tốt. Nhưng trong sự cạnh tranh với các quốc gia giàu có khác đang cần lực lượng lao động mới, Mỹ, Canada, Australia và Vương quốc Anh đều có lợi thế lớn vì hầu hết đều nói tiếng Anh.
Theo một cuộc khảo sát của OECD được thực hiện vào năm 2022 đối với người lao động lành nghề từ khắp nơi trên thế giới về những trở ngại lớn nhất khi đến Đức, khoảng 38% cho biết họ thiếu kỹ năng tiếng Đức, trong khi có khoảng 18% lo ngại về phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc.
Theo các chuyên gia của OECD, các quốc gia khác đã phát triển một nền văn hóa cởi mở và điều đó vẫn còn thiếu ở nhiều bộ phận dân cư ở Đức. Và tất nhiên, AfD - hay đúng hơn là tư duy khiến mọi người bỏ phiếu cho AfD - là một trong những trở ngại cho nền văn hóa cởi mở theo đúng nghĩa.