Đỏ mắt không tìm ra thuốc
Nhập cấp cứu tại BV Chợ Rẫy ngày 5-11 trong tình trạng khó thở, bụng trướng, ông Đặng Đại Tr. (73 tuổi, quê Quảng Bình) được chẩn đoán viêm gan, xơ gan cổ trướng. Sau khi được hút dịch ổ bụng, ông Tr. thấy đỡ đau hơn nhưng xét nghiệm dịch mũi thì lại nhiễm Covid-19. Bệnh viện không có thuốc Molnupiravir kháng virus SARS-CoV2, bác sĩ kê đơn yêu cầu người nhà đi mua.
“Tôi chạy vòng khắp nhà thuốc trong lẫn ngoài BV cũng không có. Cuối cùng, bác sĩ thông báo là phải truyền thuốc kháng virus cho ba tôi”, người nhà ông Tr. kể. Còn bệnh nhân Lâm Nhật Bảo T. (14 tuổi, ngụ Bình Thuận) được bác sĩ Khoa Hóa - xạ trị, Trung tâm Ung bướu (BV Chợ Rẫy) chẩn đoán bị u nguyên tủy bào não thất 4, được chỉ định xạ trị 54GY/27EX ngày 21-10, nhưng lại được hẹn quay lại sau… do máy hư, không xạ trị được. Người nhà lo lắng nên xin chuyển qua điều trị tại BV Ung bướu TPHCM.
Tương tự, thời gian qua, các BV nhi tại TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị do thiếu thuốc và vật tư y tế. Khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, BV Nhi đồng 1 TPHCM hiện đang điều trị cho trên 100 bệnh nhi, trong đó 50% bị sốc sốt xuất huyết (SXH) nhưng lại hụt nguồn cung dung dịch cao phân tử HES 200.000 dalton và Dextran 40 để chống sốc. Thậm chí, thuốc vận mạch cho bệnh nhi cũng thiếu. BV Nhi đồng thành phố cũng gặp khó về thuốc cao phân tử HES 200.000 dalton nên điều trị bệnh nhi sốc SXH không đạt hiệu quả tối ưu.
Ở khối điều trị bằng thuốc y học cổ truyền (YHCT), ThS-DS Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược - Sở Y tế TPHCM, chia sẻ, do dược liệu cho YHCT chủ yếu nhập khẩu; một số thuốc dược liệu, thuốc YHCT chưa được cơ quan BHXH chi trả… dẫn đến thiếu thuốc YHCT cấp phát cho người bệnh.
Phải chuyển phác đồ điều trị
Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM (cơ sở 1), BV đang chịu áp lực rất lớn do người bệnh ung thư chuyển lên từ các tỉnh, thành lân cận hoặc từ cơ sở khác trong thành phố. Mặc dù đã chạy hết công suất nhưng hiện vẫn còn khoảng 1.000 bệnh nhân chờ phẫu thuật, chờ xạ trị do đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, hóa chất.
Các thuốc hiếm trị ung thư như Vinblastin, Dactionmycin… cũng không còn nguồn cung cấp. “BV phải chuyển phác đồ khác thay thế cho người bệnh; tổ chức đấu thầu một số thuốc nhưng không có doanh nghiệp dược tham dự, hoặc có thì thiếu tiêu chuẩn. Nguyên nhân do một trong những yêu cầu hiện nay là thuốc có visa rồi, nếu hết hạn lưu hành phải gia hạn đăng ký mà việc này tốn nhiều thời gian”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn cho hay.
Cùng cảnh ngộ, BS CKII Đỗ Tân Khoa, Giám đốc BV Y học cổ truyền TPHCM, cho hay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên một số dược liệu để bào chế thuốc theo BHYT cho người bệnh gặp nhiều khó khăn, trong đó có những loại thuốc như bạch đậu khấu, dây khổ qua, lạc tiên tây. “Với gói đấu thầu mua sắm thuốc năm 2021 và 2022, khi mở thầu chỉ có duy nhất 1 công ty nộp hồ sơ, nhưng cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn nên BV phải hủy thầu”, BS CKII Đỗ Tân Khoa nêu thực tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, sở đã có văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo tình hình đấu thầu, mua sắm cung ứng thuốc tại thành phố. Trong báo cáo, Sở Y tế TPHCM đã nêu lên những khó khăn, nguyên nhân, giải pháp và kiến nghị. Đặc biệt, đứt nguồn hàng đối với những loại thuốc nhập khẩu, thuốc hiếm cần thiết cho nhu cầu điều trị và không có thuốc thay thế ảnh hưởng đến điều trị. |