Ba giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa
Đến nay, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, bước vào trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá nguyên liệu trên thế giới như xăng dầu, than, kể cả giá vận chuyển đều tăng, ảnh hưởng trước hết đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, theo Bộ Công thương, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu (nhất là xăng, dầu), giá vận chuyển sẽ góp phần làm tăng chi phí sản xuất, giá hàng tiêu dùng trong nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để ứng phó với vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết sẽ thực hiện ba giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho nhu cầu trong nước. Cụ thể: Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả toàn cầu và trong nước, để nhận định các mặt hàng nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt về tạm thời hay dài hạn tại thị trường trong nước, theo đó đưa ra những chính sách đối ứng phù hợp; chủ động chuẩn bị các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát, nhất là thông tin kịp thời, chính xác về các chính sách, giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương nhằm loại bỏ các thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch; nỗ lực thực hiện các biện pháp đàm phán nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu thông qua tăng cường hợp tác từ cấp cao là Chính phủ đến cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nước có nguồn tài nguyên dồi dào, và hỗ trợ các doanh nghiệp ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để bảo đảm nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất, qua đó kiểm soát lạm phát và bảo đảm tối thiểu nhất ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu thế giới đến đời sống người dân.
Chủ động dự trữ hàng Tết sớm
Để những giải pháp này được thực hiện sớm và hiệu quả, Bộ Công thương cho biết đã đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố, Hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Thực hiện chủ trương này, tại các tỉnh phía Nam - tâm dịch của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 - việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu được đặt lên hàng đầu. Điển hình như đồng bằng sông Cửu Long, do dịch đang có chiều hướng phức tạp, nên chính quyền các tỉnh ở khu vực này dự báo sức mua trong dịp Tết sắp tới sẽ có nhiều biến động, có thể tăng khoảng 5% so với dịp Tết năm trước và tăng 20%-25% so với ngày thường trong những ngày cận Tết. Từ đó các địa phương đã thông báo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… trong vùng khởi động dự trữ hàng Tết sớm để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân.
Đơn cử, hệ thống Co.opmart đã đàm phán với nhà cung cấp để chủ động nguồn hàng hóa, đồng thời triển khai các kênh bán hàng bình ổn giá phù hợp ở từng địa phương. Theo nhà bán lẻ này, hiện nhiều nguồn cung hàng hóa vẫn chưa đa dạng, ổn định như thời trước dịch nên nhà bán lẻ sẽ theo dõi sát tình hình thị trường để cân đối nguồn hàng dự trữ, đảm bảo ổn định giá cả đầu ra - vào dịp cuối năm và cận Tết.
Còn tại TPHCM, theo tiết lộ từ một số doanh nghiệp, nhà bán lẻ, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần của doanh nghiệp dự kiến tăng khoảng 5%-10% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống.
Ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đến thời điểm này, các cửa hàng bán lẻ trực thuộc Saigon Co.op đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng thiết yếu, hàng bình ổn cho nhiều tháng, đồng thời tiếp tục nỗ lực thực hiện giảm và giữ giá bán hàng hóa ổn định trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM cũng cho biết, ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp đã chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm chế biến thuộc hàng nhãn riêng cũng như các loại đặc sản vùng miền để người dân yên tâm mua sắm.