Chỉ tính trong năm 2022, tại các sàn đấu giá quốc tế, giao dịch tranh của họa sĩ Lê Phổ ghi nhận ở mức 26 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch tranh Lê Phổ có tổng trị giá 8,7 triệu USD. Điều này cũng không quá khó hiểu, bởi tranh của các họa sĩ thuộc thế hệ họa sĩ Đông Dương (học từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) liên tục lập kỷ lục triệu đô trên sàn đấu giá. Và Lê Phổ là họa sĩ Việt Nam đầu tiên lập kỷ lục tranh Việt triệu đô trên sàn quốc tế vào năm 2019, với bức Khỏa thân tại sàn Christie’s có giá gần 1,4 triệu USD.
Điểm qua các phiên đấu giá gần đây, tranh Việt thu hút nhà sưu tập không chỉ ở giá trị nghệ thuật mà còn yếu tố trị giá tác phẩm. Phiên đấu giá Họa sĩ Châu Á, những tác phẩm quan trọng ngày 2-6 tại sàn Aguttes, trong 55 tác phẩm thì có 28 tác phẩm bán trước phiên đấu giá, 27 tác phẩm còn lại cũng được bán hết trong phiên.
Tuy nhiên, theo các nhà sưu tập trong nước, dù là tranh của họa sĩ nước ngoài vẽ về Việt Nam thời kỳ Đông Dương, hay tranh của các họa sĩ từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương… đều đang có phần chững lại do ảnh hưởng từ việc nền kinh tế giảm sút. Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Thị trường nghệ thuật có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó dĩ nhiên bao gồm điều kiện kinh tế. Mặc dù đôi khi thị trường nghệ thuật không phải lúc nào cũng “cùng pha” với chu kỳ tăng giảm của nền kinh tế, nhưng thị trường hiện tại cho thấy, không có vận động trái chiều và cũng hợp quy luật khi dòng tiền yếu thì sưu tập nghệ thuật là tiêu dùng không cấp thiết, mọi người sẽ cân nhắc hơn...”.
Theo nhận định từ giới chuyên môn lẫn các nhà sưu tập, việc thị trường tranh Việt chững lại cũng có một góc nhìn tích cực, đó là giá tác phẩm đang đi đúng giá trị tự thân. Tương lai cho thị trường nghệ thuật Việt vẫn là một điều khó đoán, bởi hiện tại thị trường chưa có nhiều niềm tin vào sưu tập đương đại với giá trị thực tại, phân khúc tăng mạnh nhất vẫn là tranh Đông Dương.
Ngoài câu chuyện muôn thuở tranh giả, tranh nhái…, một yếu tố luôn được các nhà sưu tập chuyên nghiệp dựa vào chính là giá trị của tác phẩm, mà điều này dễ dàng thấy qua những tác phẩm của các họa sĩ thế hệ xưa đã được định hình theo năm tháng. Trong nước, kênh tham chiếu chuyên nghiệp như: các nhà đấu giá, hội chợ nghệ thuật, triển lãm thường niên, hay nhà triển lãm đúng nghĩa… để các nhà sưu tập mới có thể “nhảy” vào thị trường vẫn còn quá thiếu, vì thế mà thanh khoản tranh Việt như miếng mồi ngon, nhưng không dễ gắp và quy đổi thành lợi nhuận tức thì theo mong muốn đầu tư đúng nghĩa gần như rất hiếm.