Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về…
Đều đặn, mỗi tuần vài lần, người đàn ông ngoài 50 tuổi (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) dáng vẻ bặm trợn lại nhậu say quên trời đất. Trở về nhà, hắn đập phá đồ đạc, chửi vợ với lời lẽ thậm tệ. 2 cô con gái thấy mẹ bị mắng nhiếc, khuyên can ba không được nên coi ba như kẻ bỏ đi. Bà hàng xóm chép miệng thở dài: “Thằng này tệ bạc nhưng vợ nó không chịu bỏ. Rõ thương, cô vợ xinh xắn, chăm chỉ lao động lại vớ phải thằng Chí Phèo. 2 đứa con gái thấy cảnh này sao dám lấy chồng?”. Qua tìm hiểu, người viết biết thêm, ông chồng say xỉn này vừa thất nghiệp, nhưng thay vì cố gắng tìm việc mới thì tỏ vẻ thất chí, lại vũ phu cộc cằn nên hàng xóm ai cũng ghét, ngại tiếp xúc.
Lần giở tấm ảnh chụp ngày đám cưới đã ố vàng, chị N., tạm trú huyện Hóc Môn, TPHCM cho hay, hai vợ chồng chung sống gần 30 năm. Họ lấy nhau khi cả hai chưa tròn 20 tuổi, không nghề nghiệp. 3 đứa con thơ lần lượt ra đời. Cuộc sống khó khăn, “trăm dâu” đổ đầu vợ. Chị N. gồng gánh nuôi con, trong khi ông chồng rượu chè bê tha, còn thường xuyên đánh đập vợ. Con cái can ngăn, ông chồng vũ phu cho rằng “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Câu nói này được ông chồng tệ bạc lặp đi lặp lại gần 30 năm qua. Không chịu nổi những trận đòn roi âm ỉ, chị N. đã đơn phương ly hôn và chính thức sống đời độc thân. Về phần các con, chị N. tự trách bản thân đã không dứt khoát chia tay chồng sớm hơn khi phát hiện 2 trong số 3 con trai của chị có dấu hiệu bạo hành vợ con giống hệt ba chúng.
Chị M., 36 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng, nhiều lần kể với bạn bè về câu chuyện bất hạnh của gia đình mình. Lúc nhỏ, ba chị thường nhậu nhẹt, say về lại đánh vợ “thừa sống thiếu chết” nên chị rất sợ. Sau này ông bệnh nặng rồi mất do ung thư gan, nhưng chị M. lại rơi vào vòng luẩn quẩn khi vớ phải ông chồng say xỉn, hay chửi đánh vợ. “Thực ra hồi nhỏ mình ham chơi, lười học, lấy chồng sớm. Nếu mình chăm học, có chí tiến thủ thì cuộc sống của mình có lẽ tốt đẹp hơn. Mình đã ly hôn chồng, cùng con gái xuống TPHCM buôn bán và cuộc sống đang dần ổn định”, chị M. tâm sự.
Yêu thương bản thân, trân trọng bạn đời
Ngày nay, đâu đó trong mỗi gia đình, giá trị thực sự của người phụ nữ chưa được trân trọng đúng mức, điển hình là 3 trường hợp nêu trên. Quan niệm phụ nữ phải chiều chồng, thương con thường bị hiểu sai lệch tới mức nhiều người phụ nữ phải cam chịu, thậm chí bị bạo hành (thể chất lẫn tinh thần) thời gian dài. Không chỉ người học vấn thấp, mà không ít phụ nữ hiện đại, trí thức cũng bị hành hạ đến trầm cảm… Rõ ràng, vấn đề bình đẳng giới rất cần được xem lại, cả môi trường giáo dục cũng như gia đình. Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ăn sâu trong tâm thức của không ít phụ huynh, từ đó dẫn đến nhiều đứa trẻ bị bạo hành, thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân…
Để phá bỏ vấn nạn bạo lực gia đình, cần dạy trẻ em yêu thương, tôn trọng bản thân cũng như bạn bè khác giới. Chị K.T., 37 tuổi (ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay, 2 cậu con trai nhà chị đang học lớp 6 nhưng đã biết nấu nướng, quét dọn nhà cửa từ khi học lớp 4. Chưa kể, 2 cậu nhóc này còn được mẹ dạy phải nhẹ nhàng, quan tâm, chăm sóc các bạn nữ… “Mình huấn luyện từ nhỏ để con tự chăm sóc bản thân và gia đình sau này. Con trai vô tâm quá thì con dâu và các cháu mình sẽ khổ”, chị K.T. nói vui.
Cũng như chị K.T., gia đình anh X.T. (quận Tân Phú, TPHCM) “rèn” 2 cô con gái và 1 cậu con trai rất kỷ luật. Ngoài học chính khóa, bọn trẻ còn được học các kỹ năng phòng vệ tránh rủi ro. Mục tiêu hướng đến biết yêu thương bản thân và bảo vệ người yếu thế. Chưa kể, trong gia đình, anh X.T. cũng làm gương bằng cách siêng năng phụ vợ việc nhà, quan tâm đến vợ con, nỗ lực trở thành một ông bố tốt. Theo anh X.T., dạy con trai và con gái rất khác biệt. Với con trai, anh mong rằng con yêu thương, tôn trọng vợ; còn với con gái, anh mong rằng con có thể trở thành “nữ cường” để tự bảo vệ mình khi gặp phải tình huống không như mong muốn…
Yêu thương mình, yêu thương người, nhưng không đồng nghĩa cam chịu trước bạo hành, đòn roi. Dạy trẻ từ những điều nhỏ, đồng thời nêu gương từ việc mình làm chính là cách để góp phần hình thành nên các ông bố, bà mẹ mẫu mực trong tương lai.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 cho thấy, trong tổng số nạn nhân của bạo lực gia đình có 82,3% nạn nhân là nữ giới, nạn nhân nam giới chiếm 17,7%. So với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm nhưng tỷ lệ nạn nhân nam giới bị bạo lực có dấu hiệu tăng so với các năm trước.