Thống kê cho thấy, khoảng 90% rác thải ra biển là nhựa, trong đó phần lớn từ các sản phẩm nhựa và bao bì sử dụng một lần. Ước tính mỗi năm có khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Đông Á và Đông Nam Á là một trong những điểm nóng về xả rác thải nhựa ra đại dương.
Việt Nam hiện xếp thứ 4 trong các quốc gia xả rác thải ra đại dương nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn trên quy mô quốc gia và quốc tế, đến năm 2050, theo ước tính của Liên hiệp quốc, ngoài biển sẽ nhiều nhựa hơn cá.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), đứng trước thách thức này, chính phủ nhiều nước đã nhận thấy sự cần thiết của việc chuyển đổi sang hướng tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa. Đó là đẩy mạnh công tác tái chế, xem rác thải là nguồn tài nguyên quý giá chứ không phải là phế phẩm bỏ đi.
Trong năm 2018, Ủy ban châu Âu đã công bố chiến lược châu Âu về nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn. Chiến lược nhằm mục tiêu ngăn chặn rác thải nhựa, mở rộng khả năng tái chế và nâng cao yêu cầu của thị trường đối với tái chế nhựa. Ngoài ra, chiến lược còn hướng đến việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và ngăn chặn xả rác thải ra đại dương.
Đi theo xu hướng này, Việt Nam cũng đã có Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm ngăn chặn sự suy thoái ô nhiễm môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và xâm thực, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.
Hiện nay, không ít người coi rác thải nhựa như “kẻ thù” mà quên rằng, chính hành động thiếu ý thức của con người như vứt rác bừa bãi, dẫn đến hệ lụy cho môi trường. Đồng thời, việc cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm, nhận thức đầy đủ vấn đề rác thải nhựa đã dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên quý.
Chúng ta cần thay đổi tư duy, coi việc tận dụng nguồn năng lượng từ tái chế rác thải là một chiến lược tầm quốc gia. Theo đó, các chính sách cần hướng tới thúc đẩy đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất có thể tái chế, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là công nghệ biến rác thải thành điện năng.
Để làm được điều này, việc nên làm trước tiên là đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền ý thức người dân và doanh nghiệp trong phân loại và chủ động thu gom rác từ nguồn. Người dân cần suy nghĩ kỹ và phân loại rõ ràng những loại rác trước khi bỏ vào thùng chờ thu gom. Người dân cũng cần chi trả thêm cho việc xử lý rác, vì hiện nay mọi thứ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.