Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hội nghị nhằm rà soát tiến độ, chất lượng các nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV - kỳ họp dự kiến có số lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay.
Kỳ họp dự kiến khai mạc vào ngày 21-10, bế mạc vào ngày 30-11, diễn ra trong 29 ngày và được chia thành 2 đợt. Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ cùng tập trung rà soát, xem xét; đến nay, những dự án luật, nghị quyết nào đã cơ bản hoàn thành, yên tâm trình Quốc hội; những dự án chưa trình thì có bảo đảm kịp tiến độ và chất lượng để trình hay không; rà soát công tác chuẩn bị, chất lượng nội dung các dự án luật, nghị quyết dự kiến đề nghị bổ sung vào chương trình, nhất là các dự án trình thông qua tại kỳ họp theo quy trình, thủ tục rút gọn; tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật, nghị quyết.
“Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất và hiệu quả. Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm việc ngày đêm để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhận định và đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần này.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, một số dự án cụ thể còn chậm gửi tài liệu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thống nhất thời gian gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 1-10 đối với những nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua; không đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 8 sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát hành công văn triệu tập kỳ họp thứ 8 (ngày 21-9-2024).
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Đó là, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận đề nghị, hồ sơ, nghiên cứu trước các nội dung dự kiến trình Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nêu rõ, chất lượng các dự án luật, nghị quyết trước hết là do cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo, nhất là các dự án trình Quốc hội thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn.
"Luật, nghị quyết có chất lượng hay không thì trước hết phải xuất phát từ cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và Chính phủ. Khi Chính phủ trình sang đây thì trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, phải làm việc liên tục, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, thực chất để đạt hiệu quả cao nhất".
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ thời gian qua.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tăng cường phối hợp ngay từ khâu soạn thảo dự thảo văn bản với tinh thần "vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó". Hai bên chia sẻ, cung cấp tài liệu; các bộ, ngành chủ động làm việc với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với tinh thần tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác xây dựng pháp luật ngoài việc phải thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng một cách nghiêm túc để tổ chức thực hiện thì cần tiếp tục đổi mới tư duy từ tập trung cho công tác quản lý sang vừa tập trung quản lý hiệu quả, vừa góp phần kiến tạo phát triển; đổi mới ngay trong cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, mở ra không gian kiến tạo cho phát triển, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của nhân dân.
Thủ tướng lưu ý, các cơ quan có thể nghiên cứu, đề xuất vấn đề nào cần quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng; vấn đề nào tác động nhiều, chưa ổn định thì khái quát; trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện. "Tinh thần là cái gì đã rõ, đã chín, thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa. Cái gì chưa chín, chưa rõ, thực tiễn còn biến động, diễn biến phức tạp, khó lường thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần", Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 74 hồ sơ, tài liệu, tờ trình, trong đó có: 15 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua; 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; 16 tờ trình, báo cáo tại hội trường; 33 báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội 18 hồ sơ, tài liệu.