“Chúng ta họp bàn hết chương trình này đến chương trình nọ chống ngập nước nhưng thực tế tại sao cứ mưa xuống là TP lại bị ngập? Đọc phản hồi người dân dưới các bài báo thấy nhức nhối quá! Việc chống ngập chúng ta đã đầu tư nhiều, vậy mang lại kết quả gì?”. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề như vậy và yêu cầu các sở, ngành chức năng làm rõ tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 8 tháng đầu năm diễn ra sáng 29-8.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Thường trực UBND TPHCM kiên quyết việc chống ngập
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường thông tin, cơn mưa tối 26-8 với vũ lượng lớn trong hơn 2 giờ đã gây ngập nhiều tuyến đường với nhiều mức độ khác nhau. Nguyên nhân chính được cho là do mưa đã vượt năng lực thoát nước theo quy hoạch thành phố đã duyệt trước đây. Chẳng hạn theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TP đến năm 2020 cần 6.000km cống thoát nước thì đến nay mới chỉ xong 43%.
Được “mời” báo cáo giải trình, theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chống ngập TPHCM, cơn mưa tối 26-8 làm 27 tuyến đường bị ngập; trong đó có hai “điểm nóng” là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và đường Phan Xích Long. Thông tin về giải pháp xóa những điểm ngập nói trên được Giám đốc Trung tâm Điều hành chống ngập nêu ra dường như vẫn chưa thể làm người dân an tâm. Cụ thể, tại khu vực đường Phan Xích Long, ông Công cho biết ngập nhiều là do nhiều cửa xả thoát nước ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị người dân xả rác bít cứng. “Tính đến nay, chúng tôi thống kê có đến 250 trường hợp lấn chiếm kênh rạch, xây hầm ga chồng lên cống gây tắc nghẽn dòng chảy”, ông Công thông tin.
Trong khi đó, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, ông Công cho biết hiện quận Tân Bình đang làm chủ đầu tư công trình thoát nước dự kiến ngày 20-9 tới đây sẽ hoàn thành; song song đó một tuyến cống khác nối khu vực sân bay với đường Nguyễn Kiệm cũng đã hoàn thành 85%. Một công trình nâng cấp cống tuyến kênh Hy Vọng giúp giảm áp lực thoát nước khu vực sân bay thì đang vướng 97 hộ cần tái định cư; còn đoạn Nguyễn Văn Quá tại quận 12 dù đã nâng xong đường nhưng còn vướng chưa có cửa xả nước ra kênh nên vẫn còn ngập; bến Mễ Cốc quận 8 bị ngập cũng vì do nhiều khu vực không thông cống xả được...
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, khi các công trình chống ngập làm quá chậm thì mưa xuống gây ngập là chuyện đương nhiên. Mọi nỗ lực chống ngập nếu không giải quyết đồng bộ thì ngập vẫn cứ ngập, chương trình chống ngập nói rất nhiều mà khi mưa xuống thì nhà dân, đường sá vẫn cứ bị ngập. Sốt ruột trước tình trạng ngập nước nặng nề làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong đó có nguyên nhân do công tác quản lý chưa tốt, đồng chí Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu đến giữa tháng 9, Thường trực UBND TP gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP cùng các sở, ngành chức năng đi xuống địa bàn để chống ngập, kiên quyết không để tình trạng ngập kéo dài nữa.
Các phay ngăn triều giúp chống ngập cho cư dân các phường 7, 16 (quận 8, TPHCM). Ảnh: THÀNH TRÍ
Cố gắng đạt tăng trưởng kinh tế trên 8%
Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 8 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong năm 2016 TPHCM nỗ lực đạt tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên 8%. Tuy nhiên, nếu nhìn lại trong 6 tháng đầu năm nay, GRDP chỉ đạt mức 7,47% thì 3 tháng cuối năm phải nỗ lực rất lớn, quyết liệt mới kỳ vọng đạt mục tiêu đề ra. Một trong những nội dung thúc đẩy phát triển kinh tế và hoạt động doanh nghiệp được đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành thực hiện trong các tháng cuối năm chính là thực hiện rốt ráo kế hoạch của UBND TP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho năm 2016 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhắc lại chỉ tiêu đến năm 2020 TPHCM sẽ đạt 500.000 doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi nếu triển khai quyết liệt các giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bởi hiện nay TP đang có 290.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó phần lớn có đủ điều kiện phát triển thành doanh nghiệp, chưa kể các hợp tác xã và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. “Nếu chúng ta có chính sách, cơ chế hỗ trợ thích hợp thì mục tiêu 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận định và cho biết thêm là không dừng ở con số doanh nghiệp mà điểm nhấn sẽ phát triển những doanh nghiệp có thương hiệu lớn, đủ sức vươn tầm ra thị trường thế giới.
Trước đó, chính quyền TPHCM đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) giai đoạn 2016-2020 bình quân hàng năm 8%-8,5%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp và thủy sản, trong đó tỷ trọng của dịch vụ đến năm 2020 chiếm 56%-58%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 9.800 USD…
Làm rõ nguyên nhân bốc mùi hôi thối tại khu Nam Sài Gòn Trước tình trạng bốc mùi hôi tại khu vực Nam Sài Gòn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường nhanh chóng kiểm tra, báo cáo cụ thể. “Tôi có gọi điện thoại trực tiếp cho anh Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường. Sở đã nhanh chóng cử người trực tiếp xuống nắm tình hình. Trước nay, có nhiều đơn thư của bà con gửi phản ánh về tình trạng ô nhiễm này. Nếu không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng rất nhiều thứ”, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết. |
VÂN ANH