Mùa tuyển sinh năm nay khép lại đợt xét tuyển lần 1 với nhiều vấn đề dư luận quan tâm. Điểm thi cao dẫn đến điểm chuẩn của nhiều trường cao kỷ lục, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi chế độ điểm cộng ưu tiên khu vực để tránh thiệt thòi cho học sinh thành phố. Đặc biệt, xã hội rất chạnh lòng với tình trạng điểm chuẩn ngành sư phạm thấp. Ngược lại với thực tế tăng điểm chuẩn kỷ lục của khối trường công an, quân đội, y dược và nhiều trường đại học tốp đầu như bách khoa, ngoại thương, kinh tế…, năm nay khối trường sư phạm (trừ 2 trường đại học lớn là Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TPHCM có đầu vào tương đối cao), nhiều trường sư phạm địa phương lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT công bố là 15,5.
Không phải chỉ đến năm nay mà lâu nay điểm chuẩn vào các trường sư phạm chưa bao giờ ở mức cao, càng không bao giờ có chuyện điểm chuẩn vào sư phạm cao đến mức trở thành “hiện tượng” như các trường công an, quân đội, y dược ở mùa tuyển sinh năm nay. Thậm chí, ở mùa tuyển sinh này, điểm chuẩn sư phạm một số trường còn bị sụt giảm quá nhiều. Khi Đại học Sư phạm Huế công bố điểm chuẩn, dư luận đã ngỡ ngàng vì một số ngành lấy điểm dưới sàn.
Dù hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế giải thích điểm chuẩn các ngành sư phạm của trường thấp nhất là 15,5 - bằng điểm sàn, chứ không phải dưới điểm sàn (tính theo quy đổi) nhưng so với điểm chuẩn năm 2016, điểm chuẩn của trường này giảm mạnh như ngành sư phạm toán giảm 5,5 điểm, sư phạm hóa giảm 3 điểm.
Còn tại Đại học Sư phạm Hà Nội - vốn là cái nôi đào tạo có tiếng cả nước về đội ngũ giáo viên, năm nay điểm chuẩn một số ngành cũng chỉ lấy bình quân 17,5 hoặc 18 điểm… Rõ ràng, so với sự lên ngôi của các trường y dược, quân đội, công an thì trường sư phạm dường như đang lép vế. Thậm chí, không mơ tới vị trí hàng đầu như các khối trường đó, ngay cả so với các trường kinh tế, CNTT thì khối trường sư phạm cũng kém cạnh về chất lượng đầu vào.
Đầu vào sư phạm thấp khiến nhiều người lo lắng về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai và lớp lớp học trò của các thầy cô này. Trường sư phạm là “máy cái” của ngành giáo dục, nên theo nguyên tắc thông thường, đầu vào của sinh viên sư phạm không thể thấp. Dù đầu vào không phải là yếu tố quyết định toàn bộ chất lượng sản phẩm đầu ra, nhưng nếu đầu vào thấp thì dù thuyết phục cách mấy xã hội cũng khó mà tin rằng sau 4 năm đào tạo, các trường sư phạm sẽ cho ra đời những giáo viên giỏi. Lo lắng cho chất lượng đầu ra ngành sư phạm còn nằm ở thực tế: gần như không có bất cứ thủ khoa THPT quốc gia 2017 nào đăng ký vào trường sư phạm. Cũng chẳng có thí sinh đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế nào thi vào khối ngành này. Những thí sinh xuất sắc nhất đều không chọn sư phạm. Trong khi sư phạm là nơi thực sự cần người tài để trong tương lai dẫn dắt những thế hệ học sinh Việt Nam.
Nguyên nhân vì đâu nên nỗi? Dù chưa có một báo cáo, khảo sát chính thức nào về vấn đề việc làm của sinh viên sư phạm sau khi ra trường, nhưng đã rất nhiều năm, xã hội tồn tại câu chuyện về những sinh viên sư phạm ra trường chật vật, chạy vạy khổ sở như thế nào để xin được dạy trường công lập, rằng các em phải có tiền, có quan hệ ra sao. Hết chỗ công lập, để dạy ở các trường ngoài công lập, các giáo viên phải chấp nhận một cuộc sống vất vả, thu nhập không đủ sống. Rất nhiều cử nhân sư phạm sau 4 năm dùi mài ở giảng đường đại học đã thất nghiệp, phải chấp nhận làm những việc trái nghề với tương lai bấp bênh, thậm chí buôn bán nhỏ, hay về quê làm ruộng. Bên cạnh sự chật vật tìm được chỗ dạy, thì thực tế thu nhập của người giáo viên chưa bao giờ so được với những ngành hấp dẫn khác. Nhiều giáo viên đã từng phải thốt lên “xã hội kỳ thị chuyện dạy thêm, nhưng giáo viên không dạy thêm lấy gì mà sống?”. Rõ ràng, ngành sư phạm đang bị “lép vế” so với nhiều ngành khác ít nhất ở 2 điểm: khó xin việc, thu nhập không cao. Đó là chưa kể, càng ngày nghề giáo viên càng bị xã hội “soi” nhiều hơn, khiến áp lực nghề giáo ngày càng lớn.
Mặt khác, vấn đề khủng hoảng thừa - thiếu giáo viên cũng đã từng được đề cập rất nhiều lần. Bộ GD-ĐT trong vài năm gần đây cũng đã phải yêu cầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm, yêu cầu các trường sư phạm phối hợp với địa phương đào tạo có địa chỉ. Nhưng dường như chúng ta vẫn chưa giải quyết được bài toán quy hoạch đào tạo cho ngành sư phạm, dẫn đến tình trạng giáo viên đào tạo ra chỗ thừa chỗ thiếu, nên để chen chân tìm được một chỗ dạy, giáo viên phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, tiêu cực. Kết cục luẩn quẩn là ngành sư phạm ngày càng “lép vế”.
Chúng ta luôn khẳng định giáo dục là quốc sách. Nhưng một khi điểm chuẩn của các trường sư phạm tiếp tục “chạm đáy” thì không thể nào mong có một tương lai sáng sủa cho ngành giáo dục. Đổi mới giáo dục đến đâu thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Không có thầy giỏi thì khó mà có trò giỏi, đó là điều đương nhiên. Vì vậy, để thu hút người tài vào sư phạm cần 2 yếu tố, một là tăng lương giáo viên, hai là đào tạo có quy hoạch để sinh viên sư phạm ra trường có việc làm. Chừng nào mà học xong ra trường dễ thất nghiệp, rồi đi dạy lại thu nhập không đủ sống thì chừng đó đừng mong ngành sư phạm hấp dẫn học sinh giỏi. Ngành giáo dục cần phải quy hoạch ngay việc đào tạo sư phạm, cần thiết có thể chỉ dồn việc đào tạo sư phạm cho những trường có năng lực để bảo đảm chất lượng đầu vào, đào tạo theo quy hoạch để các em ra có việc làm. Cùng với đó, tiếp tục chính sách miễn học phí, học bổng cao, tham mưu Chính phủ cải thiện cơ chế tiền lương cho giáo viên, thực hiện nghiêm việc chuẩn hóa và thanh lọc đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu mới. Chỉ khi chúng ta thực sự đặt việc đào tạo giáo viên lên hàng đầu để bảo đảm đội ngũ giáo viên giỏi thì mới thực hiện được quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu.