Ngày 26-10, tại Hà Tĩnh, 4 lao động tự do trong lúc thi công dựng cột viễn thông dưới hành lang lưới điện cao thế đã bị phóng điện tử vong. Trước đó đúng 4 tháng, ngày 26-6, tại Nghệ An, cũng đã có 4 người bị phóng điện tử vong khi đang dựng cột viễn thông. Nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tai nạn này tương tự nhau, họ cùng là những lao động tự do, cũng kéo cáp, dựng cột cho đơn vị viễn thông khi điện lực chưa cắt điện.
Không thể nói là các đơn vị liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công không biết đến nguy cơ tai nạn có thể xảy ra khi thi công kéo cáp, dựng cột dưới hành lang lưới điện cao thế. Lẽ ra, các đơn vị liên quan phải rút ra được bài học xương máu từ vụ tai nạn làm 4 người tử vong trước đó để có các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi thi công dựng cột dưới hành lang lưới điện. Trách nhiệm chính, trước hết trong vụ việc này thuộc về đơn vị thi công đường dây, dựng cột, kéo cáp. Bởi lẽ, nếu cơ quan điện lực chưa cắt điện thì phải dừng thi công ngay, đồng thời có biện pháp đảm bảo an toàn để chờ điện lực địa phương cắt điện mới được tiếp tục thi công trở lại. Không thể bao biện là đã có văn bản gửi cơ quan điện lực (nếu có) và cứ thế thi công không cần biết có được phê duyệt, chấp nhận hay không, hậu quả có thể xảy ra như thế nào. Ngoài việc bỏ qua quy định về an toàn điện lực, đơn vị này đã quá chủ quan, cẩu thả trong khi cho phép công nhân thi công đường dây, dựng cột dưới lưới điện cao thế khi chưa được cắt điện.
Cùng với việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên, cần hoàn thiện các tiêu chí đảm bảo an toàn về điện, thực hiện sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong vận hành, thi công các công trình liên quan đến an toàn điện. Cấm thi công dưới hành lang lưới điện hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn khi ngành điện chưa cắt nguồn.