Tăng cường kiểm soát, ngăn sai phạm
Những tồn tại trong lĩnh vực quản lý đất đai, thị trường vốn được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu một số vấn đề, đó là tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như đẩy giá đất, có những nhà đầu tư lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu và nguy hiểm hơn là có những người còn lợi dụng để “đánh bóng” giá trị tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng của mình. “Việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời”, ĐB Nguyễn Thị Thủy cảm thán.
Bên cạnh đó là tình trạng quân xanh, quân đỏ, thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất, tình trạng bắt tay ngầm rút ruột tài sản Nhà nước (tiết lộ thông tin; cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích; móc ngoặc trong thẩm định giá), gây ra những thiệt hại rất lớn cho tài sản của Nhà nước. ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát chặt chẽ; thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này; đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất để xác minh, điều tra làm rõ nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm tội phạm trong hoạt động này.
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) thì quan ngại về thất thu thuế khi tình trạng “bán nhà 2 giá” vẫn phổ biến. Tức là giá thực tế cao hơn nhiều giá kê khai trong hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. Việc này khiến ngân sách thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, phát sinh nhiều hệ lụy. Do đó, cần cập nhật đúng, đủ, kịp thời giá đất sát với giá thị trường vào bảng giá đất của Nhà nước; sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, đặc biệt là quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng theo quy định của Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ĐB đề nghị xử lý nghiêm những sai phạm đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, không để xảy ra tình trạng như vừa qua. Dẫn vụ Tân Hoàng Minh, FLC…, theo ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai), những vụ việc này cho thấy thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng, can thiệp. Do đó, cần rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt, ảnh hưởng tiêu cực đến kênh dẫn vốn của nền kinh tế, không để những quả bom “trái phiếu doanh nghiệp” phát nổ. ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu câu hỏi: “Khi các cá nhân sai phạm trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế… lâm vào vòng lao lý, cử tri thắc mắc: bằng cách nào mà họ qua mặt được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”?
Chỉ rõ trách nhiệm chậm giải ngân trong đầu tư công
Nổi lên trong phiên thảo luận là vấn đề “có tiền mà không tiêu được”. Tình trạng này đã lặp đi lặp lại, dù Chính phủ có nhiều giải pháp, nhưng dường như các biện pháp gần đây của Chính phủ (như điều chuyển vốn...) cũng không còn tác dụng, đặc biệt chưa có ai bị xử lý trách nhiệm.
Dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1. Theo ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), đó là bao tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các ĐB nhằm thông qua nhiều cơ chế, chính sách hết sức kịp thời và cần thiết. Nhưng sau gần 5 tháng, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349 tỷ đồng cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Mức này tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của chương trình. ĐB Nguyễn Hữu Thông đề nghị làm rõ nguyên nhân Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa đi vào cuộc sống, xác định rõ trách nhiệm cụ thể để có các giải pháp hữu hiệu hơn.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thẳng thắn: “Vấn đề là có lý do để chậm hay không? Theo tôi là không. Nguồn lực có, điều kiện thủ tục thông thoáng, phân cấp mạnh, nhưng tại sao lại chậm? Như vậy là lãng phí cơ hội và thời gian, có thể lỡ nhịp phát triển”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói. Quốc hội đã có một kỳ họp đặc biệt với ngân sách đặc biệt, nên cần sự quyết tâm đặc biệt, một cách làm đặc biệt. Chính phủ cần có báo cáo chỉ rõ tại sao chậm, trách nhiệm của ai, chỉ rõ những vướng mắc ở đâu, mục đích là để bảo đảm triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội kịp thời, không để lỡ nhịp.
Sức ép lạm phát, nguy cơ “bão giá” cũng là nỗi lo của các ĐB. ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, đến nay, việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa. ĐB Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa), đề nghị ngay tại kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022 nhằm kìm chế giá xăng dầu tăng cao, kiểm soát lạm phát.
Tránh tâm lý sợ sai không dám làm Trong phiên thảo luận, nhiều ĐB cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập của lĩnh vực giáo dục, y tế. Dẫn lại vụ án Công ty Việt Á, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum): Cần làm rõ liệu có những cái “bắt tay” câu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch Covid-19 hay không? Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trăn trở: Việt Nam luôn coi an sinh xã hội là mục đích phấn đấu, trong đó có 2 trụ cột là y tế và giáo dục. Nhưng 2 lĩnh vực này, đang gặp vô vàn khó khăn, ảnh hưởng đến nhiều năm, qua nhiều thế hệ, để lại những hậu quả khó lường, người dân sẽ bị thiệt hại nhất. Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, hệ thống y tế Việt Nam góp phần chiến thắng dịch Covid-19, thành công đã được xã hội ghi nhận, sai lầm đã phải trả giá, theo nguyên tắc công - tội phân minh. “Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển ngành trụ cột của xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm mà để cả hệ thống tê liệt”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói, đồng thời cho rằng, những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế thấp, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, thuốc... đến nay không được cải thiện “mà còn tệ hơn bao giờ hết”. Hiện, đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc là nỗi lo lớn nhất của đa số bệnh viện cả công lẫn tư. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu, nay càng ít hơn vì mức lương không tăng mà có xu hướng giảm ở bệnh viện công. Nhiều bệnh viện không đủ phương tiện, trang thiết bị để triển khai kỹ thuật hiện đại khiến bác sĩ giỏi đến đâu cũng nản lòng… Theo ĐB, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế cần nhất lúc này. “Những con sâu đã bị gạt khỏi hệ thống. Nhưng những người ở lại rất hoang mang, loay hoay chưa tìm được đường đi, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai, bởi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu phát biểu. ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và bệnh viện công. Cần có cơ chế để các cơ sở y tế chủ động, tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, “tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực”. Hệ thống y tế đang bị rúng động bởi “quả bom” Việt Á, nhưng việc chống dịch, chữa bệnh, cứu người, vì sức khỏe nhân dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Liên quan đến vấn đề tăng giá sách giáo khoa (SGK), học phí vừa qua mà xã hội, ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, mức thu học phí từ phổ thông đến đại học quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, nhưng chủ yếu áp dụng trong năm học 2022-2023. Học phí mầm non, phổ thông là do địa phương quyết tùy tình hình thực tế. Trong thời gian qua, một số địa phương thực hiện miễn, giảm để chia sẻ với người học. Còn học phí đại học thì tùy theo mức độ tự chủ. “Từ thực tế ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội, từ năm 2021 đến nay, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành, địa phương giữ ổn định mức học phí để chia sẻ với người học”, Bộ trưởng nói. Về giá SGK, theo Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thì SGK thực hiện xã hội hóa. Từ góc độ quản lý nhà nước về chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo để học sinh được tiếp cận SGK giá phù hợp nhất. Đặc biệt, giải pháp căn bản nhất là Bộ GD-ĐT có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính đưa SGK vào danh mục mặt hàng bình ổn giá, có chính sách trợ giá, hỗ trợ SGK cho đối tượng học sinh khó khăn. Dù Bộ Tài chính chưa phản hồi nhưng Bộ GD-ĐT kiên trì kiến nghị này. |