Tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, cho biết, Ban Chỉ đạo đang theo dõi, chỉ đạo 47 vụ án, 46 vụ việc, trong đó có nhiều vụ án, vụ việc phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá. Hiện nhiều vụ án, vụ việc hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định, định giá phải tạm đình chỉ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, cho rằng, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám định, định giá tài sản, nhất là đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, việc kết luận giám định, định giá nói chung còn nhiều vấn đề chậm, chưa đạt yêu cầu về tiến độ. Một số cơ quan về trưng cầu còn chậm trễ trong việc phân công giám định viên, thành lập hội đồng đánh giá, phân công không đúng quy định pháp luật, thậm chí còn có biểu hiện e ngại, né tránh, đùn đẩy hoặc ra kết luận chung chung không rõ vấn đề “đúng - sai”. Để thực hiện tốt hơn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực cần phải nâng cao chất lượng, tiến độ công tác giám định, định giá.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đề nghị khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác giám định, định giá trong tố tụng hình sự. Khi chưa hoàn thiện các văn bản này, các cơ quan phải tính toán trong việc phối hợp để cùng bàn bạc, giải quyết, không để việc này trở thành rào cản, không rõ trách nhiệm. Mục tiêu của chống tham nhũng là vừa trừng trị cái sai, vừa không được làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, có phán quyết rồi mà tài sản đó vẫn đóng băng, thậm chí là thất thoát, mất mát là vấn đề rất đáng suy nghĩ.
Đồng chí nhấn mạnh, nếu giám định, định giá không đúng hoặc thẩm định đúng nhưng không được sử dụng một cách công tâm, khách quan, hoặc vì lý do chủ quan nào đó thẩm định giá đúng nhưng không được đưa vào quá trình tố tụng, không được sử dụng thì sẽ có nguy cơ dẫn đến oan sai. Điều này không chỉ liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên, quyền công dân…, mà còn ảnh hưởng đến tính công minh của các cơ quan tham gia tố tụng, công lý của chế độ và niềm tin của nhân dân.