Đóng cửa do… lỗ
Theo ghi nhận ngày 8-2, trên quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang, các cơ sở kinh doanh xăng dầu Petrolimex, Saigon Petro, KK Petro… đều mở cửa hoạt động bình thường; riêng tại ngã ba Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) có một cơ sở xăng dầu đóng cửa.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Dương Văn Hoàng Hoanh cho biết, thời gian qua, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh xin phép tạm thời ngưng hoạt động vài ngày, do không đủ chi phí phục vụ. Lý do được các doanh nghiệp đưa ra là mức chiết khấu cho đơn vị bán lẻ quá thấp, trong khi chi phí cho cửa hàng cao (!?).
Tại Sóc Trăng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Hùng Em cho biết: “Qua khảo sát từ các đơn vị bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, lý do tạm ngưng bán xăng dầu là vì họ bán không có “hoa hồng”… Hiện, ngành chức năng đang tiến hành khảo sát, kiểm tra. Nếu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định”.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang Huỳnh Ngọc Hồ cho biết, hiện đã có 23 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xin tạm nghỉ do nguồn cung nhỏ giọt, giá tăng liên tục, doanh nghiệp bán lẻ không có lãi, thậm chí lỗ tiền chi trả cho nhân viên.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho hay, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra ngay các cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin tạm nghỉ. Nếu đúng như lý do trình bày trong đơn đăng ký tạm ngừng kinh doanh, thì sẽ tìm cách tháo gỡ ngay để mở cửa trở lại. Nếu phát hiện cố tình găm hàng, chờ tăng giá thì sẽ xử lý nghiêm.
Còn tại Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang cũng có tình trạng các thương nhân phân phối không mua được xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối, nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ...
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) Mai Văn Thành, hợp đồng sản lượng giữa NSH Petro với chi nhánh phân phối sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn không thực hiện được do nhà máy đang giảm công suất và có thể dừng hoạt động vào ngày 13-2. Vì vậy, NSH Petro đã liên hệ các đối tác nước ngoài để nhập xăng dầu nhằm đảm bảo đủ cung ứng cho khu vực ĐBSCL.
Tại khu vực miền Trung, một số đầu mối phân phối xăng dầu cho biết, do lỗ nên không có “hoa hồng” hoặc chỉ chi 50 đồng/lít. Trong khi, vận chuyển xăng dầu với chi phí cao khiến các cửa hàng bán xăng đều thua lỗ 150 đồng/lít, chưa kể chi phí vận hành (gồm tiền nhân công, điện nước, thuế, hao hụt, chi phí bảo trì máy móc…).
Còn tại Tây Nguyên, địa bàn Đắk Lắk cũng bị “nghẹn” nguồn cung xăng dầu từ nhiều ngày nay. Ông Lê Văn Quý, chủ Doanh nghiệp xăng dầu tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng) cho biết, do nguồn cung khan hiếm nên từ ngày 21-1 đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhập được dầu nên chỉ bán xăng. Tuy nhiên, giá xăng nhập vào cao hơn giá bán ra, nên doanh nghiệp phải bù lỗ từ 4-5 triệu đồng/ngày để cố gắng đảm bảo nguồn cung cho người dân.
Có “găm hàng”, đầu cơ
Đại diện nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn đều khẳng định, nguồn cung hiện không thiếu, song thừa nhận đang xảy ra tình trạng găm hàng ở một số cửa hàng xăng dầu doanh nghiệp tư nhân do bán không có lợi nhuận.
Chủ tịch Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) Võ Văn Tân khẳng định, toàn bộ hệ thống đại lý, cửa hàng xăng dầu của đơn vị quản lý vẫn hoạt động bình thường. Hiện mỗi tháng, năng lực của doanh nghiệp cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 tấn, nhưng luôn tăng dự phòng thêm 10%-15% để đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó 40% nhập khẩu. Trường hợp các nhà máy lọc dầu trong nước ngừng hoặc giảm công suất, Petrolimex Sài Gòn sẽ tăng lượng hàng nhập khẩu để không xảy ra tình trạng “đứt” nguồn cung. Tương tự, Trưởng phòng Kinh doanh xăng dầu Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) Huỳnh Ngọc Thành cũng cam kết không để thiếu nguồn cung.
Liên quan đến tình trạng nhiều cửa hàng ở phía Nam tạm ngưng phục vụ, ngày 8-2, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, hiện nay nguồn cung cấp xăng đến từ nhiều nơi, có cả nguồn nhập khẩu. Về nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, mặc dù thời gian gần đây có cắt giảm công suất nhưng cơ bản vẫn hoạt động bình thường.
Để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, gây khan hiếm nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng xăng dầu nhằm trục lợi
|