Thực tế, mức tăng trưởng 5,5 - 6% là một dự báo thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, được cho là sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm lại so với năm 2023.
Có những yếu tố khiến sự phục hồi kinh tế năm 2024 của Việt Nam chưa thực sự bền vững, nhất là khi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đang có xu hướng nhỏ lại.
Chưa kể, tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua cho thấy cần tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ, giá vàng và bong bóng tài sản có thể làm tăng áp lực lạm phát trong năm nay.
Liên quan đến vấn đề phát triển doanh nghiệp, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, nền kinh tế tăng trưởng được hay không là nhìn vào khu vực doanh nghiệp nhưng tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm “bất thường so với nhiều năm”.
Theo ông Cường, lãi suất thấp nhưng nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu, giãn, hoãn nợ. Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua cũng cho thấy cần tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong khi đó vẫn còn các quy định bất hợp lý, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Gửi kiến nghị đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu một ví dụ điển hình: cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt một số khó khăn, vướng mắc về vấn đề phòng cháy, chữa cháy.
Theo hiệp hội này, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ là quá cao, chưa phù hợp, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thông tư số 06/2022/TT-BXD ngày 30-11-2022 ban hành Quy chuẩn Việt Nam về an toàn cháy có quy định một số công trình bệnh viện chỉ được có chiều cao tối đa là 9 tầng (28m), gây khó khăn và không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư…
“Giải pháp thiết thực nhất lúc này là rà soát, xử lý những kiến nghị rất cụ thể của doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời khích lệ về mặt tinh thần, không để doanh nghiệp cảm thấy cô đơn trên hành trình của mình, củng cố niềm tin kinh doanh cho họ”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh doanh, chia sẻ.
Quay trở lại với mục tiêu tăng trưởng. Tuy không chủ quan với những khó khăn hiện hữu nhưng cũng cần thấy rằng nền kinh tế vẫn đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 8 năm liên tiếp với kim ngạch xuất khẩu đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế duy trì xuất siêu 8,4 tỷ USD trong 4 tháng qua.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những tháng đầu năm khá tích cực. Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng qua đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 4 tháng ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Những tín hiệu tốt này cùng với những giải pháp hữu hiệu tiếp sức cho khu vực tư nhân có thể giúp nền kinh tế vững vàng “chinh phục” mục tiêu tăng trưởng.