PHÓNG VIÊN: Có ý kiến cho rằng, năng lực cán bộ Đoàn ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của phong trào Đoàn. Anh có nhận xét gì về điều này?
Anh NGUYỄN ANH TUẤN: Đúng là ở một số địa phương, chất lượng cán bộ làm công tác Đoàn không cao, không đồng đều, thậm chí còn đang bị tụt hậu so với thanh niên ngoài xã hội nên không thu hút, không dẫn dắt được đoàn viên, thanh niên. Nguyên nhân là do tổ chức bộ máy Đoàn đang thiếu cán bộ sau một thời gian dài không được thi tuyển cán bộ mới ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, cơ cấu bộ máy lại chưa theo kịp sự dịch chuyển của thực tiễn. Ví dụ, ở cấp xã, tổ chức Đoàn có định biên 1,5 cán bộ chuyên trách gồm 1 bí thư và 1 cán bộ bán chuyên trách, nhưng toàn xã chỉ còn 20-30 đoàn viên, trong khi ở các trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất có rất đông thanh niên nhưng cán bộ Đoàn lại thiếu. Nếu không nhìn ra được sự dịch chuyển đó và đổi mới thì Đoàn sẽ bị “hổng” ở những địa bàn quan trọng. Chúng tôi dự kiến sẽ có một nghiên cứu bài bản, tham mưu với Bộ Chính trị ban hành một kết luận về vấn đề công tác cán bộ Đoàn để có sự thay đổi phù hợp.
Không chỉ cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Đoàn, các phong trào của Đoàn cũng cần được đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong thời gian tới, hoạt động Đoàn sẽ chú trọng đến vấn đề gì?
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng về kinh tế, xã hội, đòi hỏi tinh thần sáng tạo, chủ động xung kích của thanh niên. Bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, phương pháp làm việc cho thanh niên, các phong trào Đoàn trong thời gian tới sẽ được đổi mới mạnh mẽ hơn. Cụ thể, Trung ương Đoàn sẽ kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế cho đoàn viên đảm nhận các đề án tham gia nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Một số việc thanh niên cần làm và nếu được giao thì có thể làm tốt như: bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho thanh thiếu nhi, phòng chống thiên tai. Những nội dung này đã và đang làm tốt. Thanh niên cùng quân đội, công an đã thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực trong khắc phục bão lũ miền Trung vừa qua, nhưng sắp tới sẽ làm bài bản, hiệu quả hơn.
Những nội dung mà anh vừa nói cũng là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, ví dụ như ngành giáo dục, ngành lao động - thương binh và xã hội, vậy làm thế nào để có dấu ấn riêng của Đoàn?
Chúng tôi sẽ chọn những phần việc mà các ngành chưa làm để triển khai, bổ trợ cho mục tiêu chung. Để tạo dấu ấn riêng, các hoạt động Đoàn sẽ đi vào chiều sâu. Chẳng hạn như hỗ trợ cho trẻ em vùng khó khăn sẽ không phải làm phong trào theo kiểu thi thoảng lên thăm, tặng học bổng, mà sẽ theo hướng bảo trợ cho các em học hết phổ thông và vào đại học. Hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ em khó khăn và chúng tôi sẽ nâng tỷ lệ các em được bảo trợ dài hơi lên. Chúng tôi đang lập danh sách các cháu mồ côi cha mẹ trong đợt lũ vừa rồi ở miền Trung để tìm kiếm nguồn lực bảo trợ. Ở Quảng Nam, chúng tôi sẽ phối hợp với Quân khu 5; ở các tỉnh Bắc Trung bộ sẽ thông qua Quỹ học bổng Vừ A Dính… Vào ngày 15-11 tới, chúng tôi và các đơn vị tài trợ bắt đầu khởi động xây dựng 100 căn nhà cho đồng bào miền Trung với kinh phí 120 triệu đồng/căn nhà. Tất cả những chương trình trên sẽ có sự tham gia trực tiếp của lực lượng đoàn viên, thanh niên các địa phương.
Anh Nguyễn Anh Tuấn được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa XI Ngày 11-11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành khóa XI. Tại hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, đã được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhiệm kỳ 2017-2022 với 99,7% số phiếu. Anh Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1979, quê quán Thanh Hóa, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân; học vị cao nhất là Tiến sĩ Quản lý kinh tế. Anh Nguyễn Anh Tuấn được bầu làm Bí thư thứ nhất thay anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa XI đã trúng cử Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025. |