Cùng dự có các đồng chí: Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.
BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, báo cáo cho biết: BV có công suất 1.400 giường nhưng đã cố gắng cải tạo thành 1.600 giường để đáp ứng số bệnh nhân ngày càng tăng, trong đó áp lực bệnh nhân nặng đến từ các tỉnh là 70%. BV đang điều trị 46 ca tay chân miệng mức độ nặng, trong đó 1 trường hợp tử vong; 106 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó đáng chú ý là có ca xuất phát từ trẻ bị tim bẩm sinh chưa tiêm phòng. Trước nguy cơ lây lan bệnh, BV đã huy động toàn lực để khống chế, cách ly, khử trùng. Vào thời điểm dịch bùng phát, nhân viên y tế phải gồng mình để cứu chữa cho bệnh nhi; phải tăng cường thêm bác sĩ, thậm chí bác sĩ đang đi học cũng phải điều động về chống dịch. “Rất cần có các hỗ trợ, phụ cấp đối với nhân viên y tế trực tiếp chống dịch”, BS Nguyễn Thanh Hùng kiến nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi lắng nghe báo cáo đã dành thời gian thăm các bệnh nhân và động viên các y, bác sĩ đang ngày đêm vất vả chống dịch sởi, tay chân miệng. Phó Thủ tướng đề nghị UBND TPHCM dựa trên kế hoạch chống dịch để tính toán bồi dưỡng cho nhân viên y tế, kể cả khi chưa công bố dịch. Lo ngại dịch sởi có thể quay lại theo chu kỳ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TPHCM phải tăng cường công tác phòng chống, không để đến lúc dịch bùng phát mới đi dập dịch. Để tăng tính hiệu quả trong phòng chống, yêu cầu sự vào cuộc khẩn thương của các cấp, ban ngành và toàn xã hội, nhất là tại các khu vực có khu công nghiệp.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm và làm việc tại BV Nhân dân 115.
TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, báo cáo cho biết, đây là BV đa khoa hạng 1, với 1.600 giường, có hơn 2.400 cán bộ, nhân viên. Năm 2017, BV có gần 1 triệu lượt người khám bệnh, mỗi ngày tiếp nhận 2.000 bệnh nhân nội trú. Năm 2018, số bệnh nhân tiếp tục gia tăng, khoảng 2.800 đến 3.000 lượt khám/ngày. BV đã thí điểm nhiều chương trình như mô hình viện - trường; hệ thống quản lý chất lượng BV của Bộ Y tế; thực hiện xây dựng vị trí việc làm…
Ngoài ra, BV đã thực hiện đề án BV vệ tinh cho các BV: Đa khoa Khu vực Cái Nước (Cà Mau); Lê Lợi (Vũng Tàu); Đa khoa tỉnh Đắk Nông; Đa khoa tỉnh Bạc Liêu…
Trong thời gian tới, BV Nhân dân 115 định hướng phát triển thành BV đa khoa hạng đặc biệt hoàn chỉnh 1.600 giường, tiêu chuẩn theo mô hình viện - trường; phát triển mở rộng vệ tinh, song song với chuyển giao công nghệ cho tuyến trước (TPHCM và khu vực phía Nam). Để làm được điều đó, nhất là đào tạo nguồn nhân lực, TS-BS Phan Văn Báu kiến nghị cần được đầu tư bổ sung trang thiết bị y tế kỹ thuật cao; đề xuất được chi, thanh toán theo thực tế; kiến nghị UBND TPHCM cho tự chủ điều chỉnh quỹ tiền lương theo thông tư của Bộ Tài chính, được tự chủ chi thường xuyên… Đặc biệt, BV mong muốn được thí điểm theo mô hình doanh nghiệp nhằm xây dựng BV hiện đại, xứng tầm y tế quốc tế, tham gia dịch vụ y tế quốc tế.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cơ chế tự chủ đối với các BV hiện rất cần thiết, tuy nhiên việc thực hiện còn rất chậm. Trong tình hình hiện tại, các BV lớn cần có cơ chế rất riêng. Một mặt phục vụ nhân dân trong nước, một mặt vươn lên đáp ứng những phương tiện kỹ thuật, trình độ chuyên môn chữa bệnh cho người nước ngoài. Trước mắt Chính phủ đã cho phép 4 BV lớn trên cả nước thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ là BV Chợ Rẫy, BV K, BV Bạch Mai và BV E. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu các BV cân nhắc, bởi thực tế xã hội hóa có những mặt trái của nó, cần có lộ trình để có thể phát huy tính ưu việt.