Suất đất tái định cư tối thiểu 80m²
Về đề nghị làm rõ mức bồi thường tối thiểu cho một hộ gia đình, việc hỗ trợ để mua được diện tích tái định cư tối thiểu, Bộ Giao thông Vận tải giải trình: Luật Đất đai 2013 và các quy định pháp luật hiện hành không quy định về mức bồi thường tối thiểu cho một hộ gia đình mà chỉ có quy định về suất tái định cư tối thiểu.
Theo Điều 86 Luật Đất đai năm 2013: "Trường hợp người có đất thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền để đủ mua một suất tái định cư tối thiểu".
Căn cứ điều 27 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, UBND tỉnh Đồng Nai đã quy định suất tái định cư tối thiểu là 160 triệu đồng, tương đương 80m² đất ở làm cơ sở để hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân trong vùng dự án nhận đất ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất ở nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu.
Với các quy định pháp luật về đất đai và quy định của UBND tỉnh Đồng Nai nêu trên, mọi đối tượng bị thu hồi đất phải tái định cư đều đảm bảo được nhận đất tái định cư tại dự án.
Trường hợp đối với hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì hộ gia đình, cá nhân đó được Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch (không thu tiền sử dụng đất đối với phần chênh lệch). Phần kinh phí hỗ trợ này được dự trù trong kinh phí dự phòng của dự án vì đối tượng được hỗ trợ cụ thể sẽ được xác định khi kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chi tiết đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất.
Cao hơn một số dự án khác, nhưng không vượt khung
Trả lời về một số nhận định cho rằng “chính sách hỗ trợ, tái định cư của dự án có độ chênh rất lớn so với các chính sách hiện hành, cao hơn cả dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu; như vậy sẽ tạo ra sự so sánh giữa các địa phương, đặc biệt là các vùng dân tộc miền núi”, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: Việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án Sân bay Long Thành theo đúng quy định pháp luật về đất đai, tương tự như các dự án khác đã và đang thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và được người dân ủng hộ.
Đối với dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu thì thời điểm triển khai từ những năm 2000 và áp dụng Luật Đất đai năm 2003. Còn dự án Sân bay Long Thành áp dụng theo Luật Đất đai năm 2013 nên chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giữa các dự án là khác nhau.
Bên cạnh đó, chênh lệch về thu nhập, điều kiện sống giữa các vùng, miền, giữa các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Đồng Nai… nên sẽ có sự khác nhau về giá đất, chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá xây dựng giữa các vùng, miền trong cả nước.
Không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi
Tại kỳ họp thứ ba (tháng 6-2017), khi thảo luận về nội dung này, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết hiện giá đất ở khu vực giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành đã tăng 8-10 lần.
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đại biểu yêu cầu rà soát, phòng ngừa tình trạng trục lợi trong quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Báo cáo tiếp thu, giải trình cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo công an tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp, nắm tình hình, phòng ngừa, phát hiện nhanh các tình hình phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện dự án ngay từ giai đoạn thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Các cơ quan này kịp thời nắm bắt dư luận quần chúng nhân dân có đất bị thu hồi, hoạt động của các thế lực thù địch, các đối tượng kích động, khiếu kiện… để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai biện pháp giải quyết; tăng cường công tác quản lý về đất đai, xây dựng tại vùng dự án, không để xảy ra tình trạng xây dựng, chuyển nhượng đất đai trái quy định, đầu cơ trục lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.