Mục tiêu của đề án là khơi thông nguồn lực đất đai bị đóng băng trong các dự án “treo”; đưa vào khai thác quỹ đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, đất đã giao, cho thuê có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... trên phạm vi cả nước. Hiện nay, số tiền thu từ đất nói chung và đóng góp vào ngân sách nói riêng đã tăng qua các năm, năm 2021 chiếm trên 15% tổng thu ngân sách. Tất nhiên giá trị của tài nguyên đất đai đối với kinh tế - xã hội vẫn còn lớn hơn nữa.
Đến nay, đã có nhiều quy định được thiết kế nhằm khắc phục sự lãng phí tài nguyên đất đai. Điều 49, Luật Đất đai 2013 quy định việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và Điều 64 nêu khá rõ về những trường hợp thu hồi đất.
Gần đây, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; Bộ TN-MT cũng đã ban hành văn bản số 1171/BTNMT-TCQLĐĐ cùng nhiều văn bản khác với nội dung đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế, cả nước hiện vẫn còn tới trên 3.200 dự án với diện tích gần 85.200ha (chưa tính đến diện tích đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp) đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa sử dụng, hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không thể thu hồi. Dự án “treo” không chỉ tồn tại ở một vài địa phương, mà tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Giữ “kỷ lục buồn” là TP Hà Nội với gần 400 dự án (trong đó có những dự án “đắp chiếu” từ 10 đến 20 năm); TPHCM có trên 120 dự án; tỉnh Hòa Bình cũng có hơn 100 dự án…
Theo các chuyên gia pháp lý, có rất nhiều việc phải làm để khắc phục tình trạng này. Trong đó, củng cố các công cụ kinh tế, tài chính trong quản lý đất đai là biện pháp quan trọng hàng đầu. Các quy định của pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào các biện pháp hành chính mà chưa gắn các biện pháp chế tài về tài chính và thuế. Hệ thống thuế về đất đai chưa hiệu quả, nguồn thu từ thuế còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của thế giới, chưa trở thành công cụ hữu hiệu để buộc người được giao đất, cho thuê đất đưa đất vào sử dụng và vì thế chưa khắc phục được tình trạng đầu cơ, không sử dụng, để đất đai hoang hóa. Đây là những nhược điểm cần lưu ý khắc phục khi sửa đổi Luật Đất đai 2013 và pháp luật về thuế trong thời gian tới.
Thế nhưng, để những công cụ tài chính phát huy hiệu quả tốt nhất, đồng thời đảm bảo sự công bằng, thì yêu cầu tiên quyết là nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; đảm bảo sự đồng bộ, chính xác, tin cậy để có thể chia sẻ cho các đối tượng liên quan cùng khai thác và sử dụng. Không những thế, điều này còn đảm bảo cho hoạt động quản lý điều hành đất nước và doanh nghiệp trong nhiều ngành và lĩnh vực khác.
Các nhà khoa học pháp lý đã tính toán rằng, khoảng 80% quyết định về các lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước cần tới những thông tin có yếu tố vị trí địa lý hay về không gian. Việc cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác những thông tin này phục vụ quá trình ra quyết định là yếu tố tiên quyết cho những quyết định chính xác, kịp thời, góp phần đưa đất nước nhanh chóng phục hồi và phát triển, khắc phục tình trạng “đất treo”.