Không để dân lo, cán bộ tâm tư khi sắp xếp đơn vị hành chính

Chiều 2-12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị triển khai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì hội nghị triển khai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì hội nghị triển khai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo Nghị quyết 1251/NQ-UBTVQH15 ngày 24-10-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của TP Đà Nẵng giai đoạn 2023 – 2025, có 4 quận của TP Đà Nẵng sẽ có sự thay đổi về đơn vị hành chính gồm quận Liên Chiểu (nhập 1 phần phường Hòa Minh về quận Thanh Khê), quận Thanh Khê, quận Hải Châu và quận Sơn Trà.

Tại hội nghị, lãnh đạo các quận thuộc diện có sáp nhập phường bày tỏ băn khoăn khi một phần phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) sẽ nhập về phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) thì ngoài số cán bộ dôi dư sẽ có khó khăn hơn vì trên diện tích đất nhập về quận Thanh Khê có đến 3 trường học với rất nhiều học sinh.

Đối với quận Hải Châu, sau khi sáp nhập cũng dôi dư nhiều cán bộ, trong đó riêng danh sách tinh giản biên chế của quận có 22 trường hợp cũng như phương án sắp xếp trụ sở, chỉ tiêu sau sáp nhập…

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, cơ quan chức năng phải làm tốt công tác tuyên truyền, cũng như đảm bảo mọi quyền lợi, không gây xáo trộn đời sống người dân khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các phường theo Nghị quyết 1251.

“Mọi quyền lợi của người dân đều phải được đảm bảo, sau sáp nhập phải bằng hoặc tốt hơn. Không có vướng gì về mặt quy trình thủ tục, không được gây ra bất kỳ phiền hà nào cho nhân dân. Nếu cần thiết thì thành lập các tổ công tác để xử lý, tháo gỡ những khó khăn, giải quyết đề xuất của công dân”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu.

Đối với địa phương có sắp xếp, cần làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, người lao động ở khu vực sáp nhập yên tâm công tác. Về cơ sở vật chất, các quận chủ động tính toán rồi báo cáo thành phố, tinh thần là không để manh mún.

Bên cạnh đó, thời điểm trước sáp nhập là nhạy cảm, các địa phương cần quản lý chặt chẽ con dấu, không để sau này phát sinh hồ sơ "ba lá". Các đơn vị không để thất lạc hồ sơ, giấy tờ. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu sau sáp nhập, phường phải rà soát, chăm lo Tết Nguyên đán ngay cho các hộ nghèo, hộ chính sách, không để hộ nào khó khăn trong Tết.

“Đầu năm 2025 sẽ có nhiều chính sách có hiệu lực. Hồ sơ nộp trước 2025 chính sách này, sang năm 2025 chính sách khác. Vì vậy, các địa phương không được để thất lạc hồ sơ, nhất là hồ sơ hưởng các chính sách hỗ trợ”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục