Tại phiên họp của UBTVQH sáng 10-4, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cảnh sát biển, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; phù hợp với những thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh trên biển; xây dựng, phát triển Cảnh sát biển Việt Nam đáp ứng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, việc xây dựng Luật còn đảm bảo sự tương đồng với thực tiễn lập pháp của các nước trên thế giới; nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam hiện vẫn đang hoạt động trên cơ sở pháp lý của Pháp lệnh - là văn bản dưới luật, chưa đảm bảo tính tương đồng với thực tiễn lập pháp các nước trên thế giới.
Dự thảo Luật quy định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân là kế thừa Pháp lệnh hiện hành. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng, nhất là trong tình hình hiện nay, đề nghị Ban soạn thảo thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của lực lượng này.
Bên cạnh đó, cần phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ hoặc “khoảng trống” về trách nhiệm trên biển.
Ngoài ra, mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó, có nhiệm vụ chủ trì, có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác… Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu làm rõ chức năng chủ trì của Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, để bảo đảm trên các vùng biển phải có lực lượng chủ trì và chịu trách nhiệm theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm được nhiều việc, nhưng một việc chỉ có một tổ chức chịu trách nhiệm.
Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam trình UBTVQH tại phiên họp này gồm 8 Chương, 49 Điều, quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm.
Dự thảo cũng quy định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát biển Việt Nam; xác định phạm vi hoạt động, quyền hạn và biện pháp công tác Cảnh sát biển Việt Nam.
Về hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, dự thảo chú trọng quy định cụ thể các hoạt động liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân để đảm bảo tuân thủ quy định Hiến pháp 2013 và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Các nội dung về phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; tổ chức và bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; quản lý nhà nước, trách nhiệm của các Bộ, ngành chính quyền địa phương đối với Cảnh sát biển Việt Nam… cũng đã được nêu rõ trong dự thảo Luật.