Trong đó, đáng chú ý là dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, có một số nội dung còn nhiều ý kiến như quy định về trình tự, thủ tục đưa người nghiện từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…
Thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng, luật nên giao Chính phủ quy định chi tiết việc lập hồ sơ đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại tòa án nhân dân.
Về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, nhiều đối tượng tìm cách xâm nhập Việt Nam, không chỉ biến nước ta thành thị trường tiêu thụ mà còn là nơi trung chuyển, chế biến ma túy. Quy trình cai nghiện ma túy bắt buộc cần minh bạch, rõ ràng, với trình tự thủ tục bảo đảm thận trọng, khách quan, chặt chẽ, nhất là khi áp dụng biện pháp này đối với người dưới 18 tuổi. Thủ tướng nêu rõ tinh thần là làm sao luật tạo khung pháp lý không quá cứng để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống ma túy.
Đối với dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an trình, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, trên cơ sở tách ra từ Luật Giao thông đường bộ. Nhưng nguyên tắc là không để chồng chéo, tầng nấc; cái gì thuộc giao thông tĩnh, xây dựng công trình thì thuộc Bộ GTVT; cái gì liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì giao cho Bộ Công an.
Về quản lý hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi, Thủ tướng cho rằng nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ sửa đổi là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục rà soát, tập trung hoàn thiện hơn, bảo đảm tính bao quát, toàn diện, thống nhất, không chồng chéo, trùng lắp với lĩnh vực giao thông đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ; cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về phân quyền chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội.