Cứng rắn với Trung Quốc
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang hồi gay cấn. Tổng thống Donald Trump cáo buộc đối thủ từ đảng Dân chủ, ông Joe Biden, tỏ ra quá mềm mỏng với Bắc Kinh. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ thực hiện các thỏa thuận thương mại công bằng. Hiện Mỹ đang tiến hành đàm phán 7 thỏa thuận lớn.
Đề cập đến ý tưởng tách hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Nếu không giao thương với Trung Quốc chúng ta sẽ không mất hàng tỷ USD”. Tổng thống Donald Trump cũng đề cập đến việc sẽ sản xuất các hàng hóa cần thiết tại Mỹ, tạo ra chính sách ưu đãi thuế với hàng “Made in America” và mang việc làm quay về Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu với các công ty rời bỏ Mỹ để tạo ra việc làm ở Trung Quốc và các nước khác. Tổng thống Donald Trump cho biết đây sẽ là các động thái mà Chính phủ Mỹ thực hiện trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ hai nếu ông tái đắc cử.
Theo Bloomberg, chiến dịch tái tranh cử của ông Trump coi “cứng rắn với Trung Quốc” là một phần trung tâm trong cương lĩnh. Nhà Trắng cho rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính trong việc lây lan đại dịch Covid-19. Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 7 vừa qua, thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 18,9% lên 63,6 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 7-2008 và vượt dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Trong đó, mức thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc tăng lên 28,3 tỷ USD.
Khó thành hiện thực
Ý tưởng kìm hãm quan hệ thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump đang làm nảy sinh tranh luận trong dư luận Mỹ. Giới quan sát nhận định, việc chia tách kinh tế Mỹ - Trung đang đối diện với thực tế đầy thách thức đó là nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc đang tăng, còn các công ty Mỹ vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Trong khi đó, các thị trường còn lại lo sợ sự chia tách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.
Giới quan chức Mỹ, từ Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đến Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đều khẳng định Trung Quốc tuân thủ cam kết đối với thỏa thuận giai đoạn 1. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thừa nhận kinh tế Mỹ hiện kết nối với Trung Quốc chặt chẽ hơn thời Mỹ với Liên Xô. Đó là lý do phải cân nhắc bởi những thách thức từ tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng của Mỹ đều có liên quan chặt chẽ tới kinh tế Trung Quốc.
Trong quý 1-2020, các công ty Mỹ đã đổ 2,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án tại Trung Quốc, chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp đại dịch bùng phát. Con số này cho thấy số công ty Mỹ tìm cách rút khỏi Trung Quốc là không nhiều. Theo ông Bill Reinsch, cố vấn cấp cao và là chuyên gia về thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ và Trung Quốc phải mất đến 20 năm để kết nối hai nền kinh tế nên việc chia tách vì thế không dễ dàng nói là làm ngay được.
Theo Wall Street Journal, Bắc Kinh đang triển khai sáng kiến thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu đối với an ninh dữ liệu - động thái nhằm ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ trong việc thuyết phục các quốc gia khác tẩy chay công nghệ của Trung Quốc trong các hệ thống mạng các nước này. Sáng kiến mang tên “Sáng kiến toàn cầu về an ninh dữ liệu” kêu gọi các hãng công nghệ ngăn chặn sự hình thành của cái gọi là cửa hậu trong các sản phẩm và dịch vụ nhằm cho phép thu thập dữ liệu một cách trái phép cũng như giúp các bên tham gia tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán và quyền quản lý dữ liệu của các nước khác. Sáng kiến cũng kêu gọi các bên không thực hiện giám sát quy mô lớn đối với nước khác hoặc thu thập dữ liệu trái phép về công dân nước khác thông qua công nghệ. |