Ở Hà Nam, một người giúp việc đánh đập bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi khi chủ nhà đi vắng. Ở Kiên Giang, một cháu gái 7 tuổi bị cha ruột và mẹ kế dùng thanh sắt nung đỏ dí vào người. Ở Thanh Hóa, bà nội giết cháu ruột mới hơn 20 ngày tuổi rồi bỏ xác trong bô rác. Ngoài ra, còn có nhiều vụ xâm hại tình dục, tạt axít, cướp giật, lừa đảo, giết người…
Vì sao như vậy? Ảnh hưởng của ma túy và một số chất gây nghiện khác, ảnh hưởng của phim ảnh và game bạo lực, khiêu dâm… là nhân tố không nhỏ gây ra tội ác. Đã có những vụ trọng án do người nghiện ma túy bị ảo giác, rồi ra tay tàn độc một cách lạnh lùng; thiếu niên mê game sát hại cha mẹ hay ông bà của mình để có tiền chơi game; thanh niên xem phim khiêu dâm rồi thực hiện hành vi xâm hại tình dục với các trẻ nhỏ.
Một nguyên nhân sâu xa khác do lối sống thiên về cá nhân ngày càng đậm nét, đề cao quá mức cái tôi cá nhân, khiến nền tảng gia đình bị lung lay, một số người tỏ ra bất kính với người thân của mình. Mà khi đã không yêu thương, tôn trọng người thân thì có thể thể hiện lòng nhân ái với người khác được không? Cũng vì vậy, một số người chỉ vì có cảm giác bị “nhìn đểu” là đã xông vào ăn thua đủ với người khác; hay chỉ vì va chạm khi giao thông liền rút dao giết người.
Một số học sinh nổi máu yêng hùng làm “đại ca”, “đại tỷ” rồi khơi mào cho những cuộc đánh nhau dằn mặt đối thủ, vốn là bạn bè ngay trong lớp, trong trường của mình. Và, lối sống này cũng là nguyên nhân của các vụ “xử nhau” khi cảm giác bị xúc phạm, bị hạ nhục trên mạng xã hội.
Dĩ nhiên, ta cũng không thể bỏ qua nguyên nhân ứng xử lệch lạc của cộng đồng đối với cái ác, cái xấu. Về cơ bản, mọi người đều phê phán dữ dội cái ác, cái xấu, nhưng cách thức phê phán có khi lại khuyến khích nó lan tỏa hơn. Khi có vụ thảm sát xảy ra, có những báo mạng vào cuộc khai thác thật chi tiết, thậm chí thêu dệt để “câu view”, kéo theo nhiều người lên mạng xã hội cũng bàn tán, bình luận, chia sẻ, giả định… Tưởng như cái ác bị công kích, nhưng không, nó được phát tán rộng rãi hơn, đến mức một số kẻ lợi dụng, ăn theo cái ác để “lấy số má” (như trường hợp tự xưng là đàn em hoặc anh em của sát thủ Lê Văn Luyện), vô tình làm cái ác được đề cao, trở thành “hình mẫu” cho những kẻ xấu.
Trong bối cảnh đó, sự thờ ơ trước cái ác cũng là nguyên nhân dẫn đến cái ác ngày càng nhởn nhơ. Khi thấy người lớn đánh đập hành hạ trẻ em, đàn ông bạo hành phụ nữ, những người chung quanh làm ngơ không lên tiếng can ngăn hay báo cơ quan chức năng vì sợ bị vạ lây. Thậm chí khi một nạn nhân đang bị đánh hội đồng, đám đông không can ngăn mà còn cổ vũ, quay phim, chụp ảnh. Có không ít người tham gia mạng xã hội hay tỏ ra mình là anh hùng, là “phán quan”, mạnh dạn phê phán cái ác, nhưng chỉ là những “anh hùng bàn phím”, giỏi “chém gió”, “ném đá trên mạng”.
Như vậy, cái ác có nguyên nhân cá nhân và nguyên nhân xã hội, có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân thời điểm và nguyên nhân thời cuộc. Dẫu có nguyên nhân từ đâu, thì cách khắc phục vẫn là xây dựng lòng nhân ái, nền tảng đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật và biết sống có trách nhiệm với cộng đồng. Đó là lấy giáo dục văn hóa, giáo dục đạo đức để xây dựng những con người biết yêu, biết ghét, biết tôn trọng người khác và biết hành xử đúng mực trong từng trường hợp. Đó là làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua báo chí, phim ảnh và các loại hình nghệ thuật, để người đọc, người xem biết trân quý cái tốt, cái thiện và quyết tâm bài trừ cái ác, cái xấu. Đó là tác động, lan tỏa những gương sáng một cách thuyết phục, để mọi người học tập, làm theo và luôn lấy đó để tự răn mình. Khi cái ác nhởn nhơ, chúng ta không nên đổ lỗi cho ai hết, mà nên tự nhìn lại mình, xem bản thân đã thực sự tốt chưa, đã thực sự đấu tranh với cái ác chưa.