Từ đó đề xuất biện pháp thích hợp phòng, tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời sắp xếp các danh mục khu vực sạt lở theo mức độ sạt lở, cấp độ xung yếu trên địa bàn để lập kế hoạch ưu tiên đầu tư, tránh đầu tư dàn trải.
Sở GTVT tổ chức triển khai thi công các dự án kè nằm trong hạng mục chung của đường thủy nội địa, công trình hàng hải phục vụ giao thông thủy, vận tải biển. Đặc biệt, đối với các dự án nạo vét luồng giao thông hàng hải, vận tải biển cần thẩm định kỹ lưỡng về chọn phương án thiết kế, biện pháp tổ chức thi công, báo cáo khảo sát địa chất, thủy văn trước khi ban hành quyết định phê duyệt.
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận - huyện liên quan quản lý chặt chẽ việc chấp thuận chủ trương xây dựng các bến thủy nội địa, cảng thủy nội địa; yêu cầu các chủ bến, bãi cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển, tránh gây sạt lở do việc lưu thông và neo đậu của các phương tiện vận chuyển vật liệu.
Rà soát, quy hoạch các bến thủy nội địa, bãi tập kết kinh doanh vật liệu. Kịp thời phát hiện và phối hợp UBND các quận - huyện xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch, bờ biển.
Sở TN-MT chủ trì, phối hợp Công an thành phố, Sở GTVT và UBND các quận - huyện kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn TP trái phép, không phép, nhất là các điểm nóng trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và ven biển huyện Cần Giờ. Sớm trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố thông qua hồ sơ phương án giá đất các dự án phòng, chống sạt lở bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển trình UBND TP xem xét, quyết định.
Ưu tiên thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phòng, chống sạt lở nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai thực hiện nhanh chóng các công trình, hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy kịp thời hiệu quả phòng, chống bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển.
Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận - huyện lập quy hoạch di dời, sắp xếp các khu dân cư, công trình kiến trúc, kho tàng ra ngoài các khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, bờ biển theo quy định.
Tổng Công ty Điện lực thành phố phối hợp với UBND các quận - huyện thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động gia cố, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn các công trình điện do đơn vị quản lý; trường hợp phát hiện nguy hiểm cần phải tiến hành khẩn cấp việc di dời các công trình điện ra khỏi khu vực sạt lở; đề phòng và xử lý ngay các sự cố về điện do sạt lở gây ra.
UBND các quận - huyện, phường - xã, thị trấn có sông, kênh, rạch, biển phối hợp với sở, ngành thành phố kiểm tra, khảo sát các khu vực ven sông, kênh, rạch, bờ biển có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó, xử lý. Tổ chức sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đúng tiến độ.