Thực tế, chuyện CSGT TPHCM ra quân xử lý các loại xe 2, 3 bánh “cà tàng”, quá đát, cũ nát hay “hết hạn sử dụng” khi tham gia giao thông nhằm ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống là chuyện không còn mới. Mỗi đợt ra quân, CSGT TPHCM thu gom và xử lý hàng trăm xe máy “cà tàng”, quá đát và cũ nát. Thế nhưng sau các đợt xử lý mạnh tay thì ngay sau đó tình hình “đâu lại vào đấy”, các loại xe máy 2, 3 bánh “cà tàng”, quá đát vẫn vô tư chạy trên khắp nẻo đường.
Quan sát có thể thấy, loại xe máy 2, 3 bánh “cà tàng” thường được sử dụng vào việc chuyên chở hàng hóa tại các cửa hàng, các cơ sở kinh doanh, tạp hóa nhỏ như chở đá lạnh, bia, nước ngọt, gas hay các loại vật liệu xây dựng nhỏ. Người sử dụng các loại xe này thường là người làm thuê cho các chủ cửa hàng hay cơ sở kinh doanh, vì vậy khi bị lực lượng CSGT lập biên bản xử lý thì thường “bỏ của chạy lấy người”.
Tình trạng xe 2, 3 bánh quá đát, “cà tàng” thường gây ra hệ lụy ô nhiễm môi trường sống từ những ống khói đen cùng tiếng ồn của động cơ. Hiểm họa tai nạn giao thông từ những chiếc xe máy quá cũ nát cũng luôn rình rập do xe không còn đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn. Có ý kiến cho rằng, người lao động, người dân mình còn nghèo, việc tận dụng những chiếc xe máy “cà tàng”, cũ nát này suy cho cùng là để lao động, để mưu sinh kiếm sống. Thế nhưng không thể viện vào lý do mưu sinh, kiếm sống hay viện vào cái nghèo mà để mặc hiểm họa hay môi trường sống bị đe dọa.
Do vậy, việc ra quân lập biên bản, xử lý các loại xe máy 2, 3 bánh quá cũ, “cà tàng” hay “hết đát sử dụng” của lực lượng CSGT TPHCM cần phải quyết liệt hơn nữa và cần thường xuyên duy trì. Tuyệt đối không “đánh trống bỏ dùi”, sau đó tình trạng đâu lại vào đấy. Không có sự cảm thông hay du di đối với các hiểm họa thường trực có thể nhìn thấy từ việc để cho các loại xe “cà tàng”, cũ nát này tham gia giao thông. Đó cũng là cách chấm dứt việc đưa vào sử dụng các loại xe “cà tàng”, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người.