“Hiện nay, vì sự xung đột của các luật mà nhiều quận huyện “đứng hình” không dám phê duyệt quy hoạch 1/200, quy hoạch 1/500 khu chức năng đặc thù như công nghệ cao, khu thể thao, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giáo dục đào tạo… sở đã báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM, cũng như Bộ Xây dựng. Khi nào áp dụng Luật Quy hoạch đô thị, khi nào áp dụng Luật Quy hoạch, khi nào áp dụng Luật Xây dựng? Nếu chúng ta sửa luật này mà không sửa các luật kia thì cũng không được? Tại sao không hợp nhất lại, rắc rối vô cùng, thách đố vô cùng”, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết tại buổi Hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 23-9.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết, Nghị định 139 về xử lý vi phạm xây dựng, sẽ không còn hình thức là xử phạt nhưng cho tồn tại đối với công trình xây dựng vi phạm. Thế nhưng trên thực tế lại khác, trong quyết định xử phạt chủ đầu tư lại cho phép 60 ngày để hoàn thành các thủ tục về giấy phép xây dựng, tức là cho thời gian “để chạy”. Mặt khác, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, tất cả các công trình cấp I (từ 25 tầng trở lên hoặc trên 75m) trong toàn quốc đều phải được cục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật (2 lượt thẩm định). Bất hợp lý là sau khi đã được cục thẩm định thì chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng để xin cấp phép xây dựng. “Quy trình thủ tục hành chính này không hợp lý, tốn rất nhiều thời gian, công sức của doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu nhận xét.
Đồng tình các vướng mắc về tình trạng “luật khung”, “luật ống” dẫn đến chồng chéo khó áp dụng trong thực tiễn, nhiều đại biểu đề xuất phải sửa luật tổng thể, hạn chế tối đa việc sửa đổi liên tục, cũng như để dễ dàng thực thi…