Không cuốn theo giá vàng

Giá vàng thế giới liên tục vượt đỉnh đã kéo giá vàng SJC trong nước vượt 42 triệu đồng/lượng - cao nhất trong 6 năm qua. Trên thị trường đã có xu hướng bán ra nhiều hơn mua vào nhưng cũng không đột biến.
Giá vàng tăng nhưng sức mua, bán không có biến động mạnh. Ảnh: CAO THĂNG
Giá vàng tăng nhưng sức mua, bán không có biến động mạnh. Ảnh: CAO THĂNG

Biến động do giá vàng thế giới 

Ghi nhận ngày 8-8 cho thấy, giá vàng SJC đã tăng phiên thứ 7 liên tục, vượt 42 triệu đồng/lượng. Cụ thể, vào cuối giờ chiều ngày 8-8, giá vàng SJC tại TPHCM được Công ty SJC niêm yết ở mức 41,85 triệu đồng/lượng mua vào và 42,25 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 650.000 đồng cả 2 chiều so với hôm trước. Cùng thời điểm tại Hà Nội, Tập đoàn Doji báo giá vàng SJC ở mức 41,75 triệu đồng/lượng mua vào và 42,15 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 600.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán. 

Dù giá vàng liên tục tăng, song ghi nhận tại nhiều điểm giao dịch vàng ở Hà Nội và TPHCM vẫn khá thưa khách. Tại cửa hàng giao dịch vàng của Bảo Tín Minh Châu (số 15 Trần Nhân Tông, Hà Nội) - được xem là “điểm nóng” vào những dịp vàng tăng giá, sáng 8-8 lại khá vắng vẻ. Một nhân viên cửa hàng này cho hay, lượng khách những ngày trước đến cửa hàng tăng, song chủ yếu đến bán vàng; 1-2 ngày gần đây đã có xu hướng giảm xuống. Đại diện một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng tại TPHCM cho biết, lực mua và bán không có biến động mạnh, không có hiện tượng mua hoặc bán quá nhiều và không có tình trạng khan hàng. Bình luận về hiện tượng này, nhiều chuyên gia cho rằng, điều đó phản ảnh niềm tin của người dân vào việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đồng thời người dân cũng rút ra được bài học về những lần vàng tăng giá trước kia, hiểu đây là diễn biến bình thường của thị trường. 

Trên thực tế, giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng dự báo của các chuyên gia quốc tế rằng sẽ đạt mốc 1.500 USD/ounce vào cuối tháng 8. Cụ thể, giá vàng tại New York đêm 7-8 đã bán ra ở mức 1.501,1 USD/ounce, tăng 12USD so với phiên liền trước. Mức giá này sau khi quy đổi tương đương khoảng 42 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 150.000 - 250.000 đồng/lượng. Tuy vậy, với đà tăng của giá vàng thế giới, tính từ đầu tháng 8 đến nay, vàng SJC đã tăng hơn 2,5 triệu đồng/lượng, tương ứng khoảng 6,5%. Còn tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC hiện đã tăng hơn 5,5 triệu đồng/lượng so với mức giá 36,5 triệu đồng trước đó. Khi vàng vượt 42 triệu đồng/lượng, xu hướng bán ra nhiều hơn mua vào nhưng cũng không đột biến. Thực tế cho thấy, do giá vàng SJC biến động mạnh nên các DN kinh doanh vàng đã kéo dãn khoảng cách giá mua và giá bán lên hơn 500.000 đồng/lượng, thậm chí có những hôm biến động mạnh, khoảng cách này được kéo lên đến 800.000 đồng so với mức phổ biến khoảng 100.000 đồng khi thị trường không có “sóng”. Do đó, việc mua bán vàng để “lướt sóng” không mấy hấp dẫn vì giá vàng mua vào thì mắc nhưng bán ra lại khá thấp. 



Vàng trở lại vai trò “tài sản an toàn”

Theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs, Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể đạt được thỏa thuận thương mại trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay để hạn chế các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Một khi FED nới lỏng thêm chính sách tiền tệ thì đây sẽ là động thái hỗ trợ thêm cho giá vàng. Theo hãng tin Bloomberg, vàng là một trong những tài sản hưởng lợi nhiều nhất từ biến động trên thị trường tài chính toàn cầu do xung đột thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Và kim loại quý này đang phát huy tốt vai trò “tài sản an toàn” vì nếu chiến tranh thương mại leo thang cao hơn, giá vàng có thể lên mức 1.600 USD/ounce. 

Đánh giá về thị trường vàng trong nước, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia về vàng bạc và tiền tệ, cho biết, xu hướng giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới về cơ bản đồng thuận với nhau nhưng biên độ tăng giảm khác nhau. Nếu giá vàng thế giới tăng 10USD thì giá vàng ở Việt Nam chỉ tăng 1USD và các phiên tăng của giá vàng trong nước thường ít hơn các phiên tăng của giá vàng thế giới. Theo ông Khánh, giá vàng SJC trong nước hiện khá ổn định so với thời điểm cách đây 8-9 năm do chính sách quản lý vàng của Việt Nam khá tốt. Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, ông Phan Dũng Khánh đánh giá, sau thời gian 7-8 tuần tăng giá liên tục thì trong ngắn hạn sẽ có nhịp điều chỉnh nhưng về dài hạn, giá vàng SJC sẽ đứng vững ở trên mốc giá 40 triệu đồng/lượng. Phân tích thêm về nhận định này, ông Khánh cho biết, số liệu từ Hội đồng vàng thế giới cho thấy, 54% ngân hàng trung ương các nước cho biết, họ muốn giữ vàng và mua thêm trong thời gian 5 năm tới. Do đó, giá vàng sẽ khó giảm trong thời gian này.

VN-Index tăng gần 10 điểm

Sau nhiều phiên giảm mạnh gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 8-8 đã hồi phục mạnh với gần 10 điểm nhờ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, FPT, GAS, HPG, REE, HVN, VIC, VHM, VRE… Mặc dù vẫn còn bán ròng nhưng khối ngoại đã giảm áp lực đáng kể, chỉ còn 112 tỷ đồng trên toàn thị trường so với 215 tỷ trong phiên trước, giúp thị trường đóng cửa ở mức cao nhất phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,31 điểm (0,96%) lên 975,24 điểm. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 1,01 điểm (0,99%) lên 102,9 điểm. Thanh khoản thị trường đạt 245 triệu cổ phiếu, trị giá 6.400 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục