Đơn cử, theo AirVisual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 17-9 tại nhiều điểm trong nội đô Hà Nội ở “mức kém”, liên tục dao động 100-200. Từ ngày 14 đến 16-9, chỉ số AQI đo ở hơn 20 địa điểm đều trên 100. Điểm đo tại Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm có AQI trên 150.
Ngày 17-9, tại Hà Nội, chỉ số bụi mịn PM2.5 lên đến 111,3µg/m³, cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia (25µg/m³) và 11,1 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng, phổi và gây ho, hắt hơi, sổ mũi, khó thở. Tiếp xúc lâu dài sẽ làm gia tăng tỷ lệ viêm phế quản mãn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim.
Ước tính cứ PM2.5 tăng 10µg/m³ thì số bệnh nhân cấp cứu vì bệnh cao huyết áp tăng 8%, các bệnh lý về tim mạch cũng tăng lên. Do đó, những người có vấn đề về hô hấp và tim, trẻ em và người già nhạy cảm với bụi cần đề phòng biến chứng. Bụi PM2.5 còn được mệnh danh là “sát thủ giấu mặt”, bởi có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. PM2.5 còn gây kháng insulin, viêm và tăng biến chứng bệnh tiểu đường…
Điều đáng nói là tình trạng này sẽ chỉ có xu hướng tăng lên khó giảm, nhất là trong những ngày mùa thu hanh khô. Bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy không khí mờ mịt và nhiều người Hà Nội cảm thấy ngột ngạt, khó thở, ho kéo dài.
“Sát thủ” đã được vạch mặt chỉ tên, nhưng xử lý như thế nào vẫn là câu hỏi nhức nhối. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội có 2 nguồn gây ô nhiễm không khí chính là tình trạng phá dỡ các công trình xây dựng, các công trường xây dựng và nguồn thải từ lượng ô tô, xe máy lưu thông quá lớn (5,8 triệu xe máy và 700.000 ô tô). Để đánh giá hiện trạng không khí, năm 2018, Hà Nội đã lắp đặt 11 trạm quan trắc không khí và phấn đấu lắp đặt thêm 95 trạm quan trắc không khí nữa từ nay đến năm 2020.
Cùng với đó, để cải thiện ô nhiễm không khí, Hà Nội đang thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Năm 2020 phấn đấu trồng thêm 600.000 cây xanh nữa. TP cũng hỗ trợ kinh phí để người dân giảm sử dụng, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc dùng than tổ ong, hạn chế nguồn gây ô nhiễm…
Nhưng xem ra chưa đủ. Cây xanh không thể “lọc” được bụi mịn và kết quả quan trắc (dù là chính xác hơn, kịp thời hơn), nếu không đi cùng với những giải pháp ngăn chặn nguồn phát thải thì chỉ có thể giúp người dân phòng tránh bằng cách… ngồi nhà, hoặc tích cực hơn một chút là sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Cũng sẽ có nhiều người lấy ô tô ra sử dụng, vô tình “đẩy” thêm ô nhiễm cho những người khác gánh chịu.
Theo bà Bùi Thị An, nguyên Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cần có chế tài nghiêm ngặt hơn đối với cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Muốn vậy, cần có thiết bị và quy định về quan trắc mức độ ô nhiễm để có cơ sở xử phạt thấu tình đạt lý. Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần kiên quyết hơn trong việc xử lý phương tiện chở đất đá không có bạt che, làm rơi vãi đất đá ra môi trường; cung cấp đầy đủ và kịp thời xe hút bụi, tưới đường…
Về lâu dài, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị, cần tăng cường giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, di dời các làng nghề tồn tại trong nội đô. Nhưng trước hết, ít tốn kém nhất, tất cả mọi người cần tự kiểm soát các hành vi gây ô nhiễm không khí, coi đó không chỉ là việc “nên” hay “không nên” mà là trách nhiệm. “Không ai tránh được ô nhiễm không khí, vì không thể không hít thở. Nếu bạn “đầu độc” không khí thì cũng là đang đầu độc chính mình”, bà Bùi Thị An khẳng định.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp với trời mưa nên trong 2 ngày cuối tuần, không khí trên địa bàn Hà Nội đã bớt ô nhiễm, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí cũng giảm dần. Kết quả quan trắc mới nhất ngày 22-9 được công bố trên cổng thông tin điện tử của TP Hà Nội cho thấy AQI ở mức 50, vào đầu giờ sáng mức 70-80.