Với chuẩn nghèo mới, dự kiến TPHCM có 52.000 hộ nghèo (chiếm 2,44% tổng hộ dân TPHCM) và 38.000 hộ cận nghèo (chiếm 1,6%). Theo chuẩn nghèo hiện nay, TPHCM còn 3.700 hộ nghèo (chiếm 0,13%) và 15.000 hộ cận nghèo (0,6%).
Hiện nay, TPHCM áp dụng chuẩn nghèo là hộ có thu nhập dưới 28 triệu đồng/người/năm, chuẩn cận nghèo là 36 triệu đồng/người/năm, cùng 5 chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, việc làm và bảo hiểm xã hội (BHXH), điều kiện sống, tiếp cận thông tin với 11 chỉ số đo lường.
Chuẩn mới được đề xuất gồm 5 chiều (với 10 chỉ số thiếu hụt) về y tế, giáo dục - đào tạo, việc làm - BHXH, điều kiện sống, thu nhập. Hộ gia đình có từ 3 chỉ số thiếu hụt trở lên là hộ nghèo đa chiều. Trong đó, thiếu hụt về thu nhập để đo lường nghèo là 2 chỉ số: hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/người/năm (3 triệu đồng/người/tháng) trở xuống; hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc (trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật) trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Đo lường cận nghèo về thu nhập từ mức 36-46 triệu đồng/người/năm. Chiều điều kiện sống được đo bằng 2 chỉ số nhà ở và nguồn nước sinh hoạt. Về điều kiện sống, hộ gia đình nghèo về nhà ở là hộ đang sống trong ngôi nhà, căn hộ thuộc loại không bền chắc hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 6m² (nội thành) và nhỏ hơn 10m² (ngoại thành).
Theo ông Lê Minh Tấn, nếu sử dụng đồng thời 2 tiêu chí thu nhập và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì sẽ không phản ánh đúng phương pháp luận về đo lường nghèo đa chiều. Trong khi đó, tiêu chí thu nhập cũng là nội dung người dân kê khai không chính xác, nhưng tốn thời gian, lực, nhân lực để xác định. Trên thực tế, giai đoạn 2016-2020, trong tổng số hộ nghèo của TPHCM, chỉ có khoảng dưới 7% hộ nghèo đa chiều sống dưới mức chuẩn thu nhập. Việc thay đổi giúp TPHCM đánh giá được sự chuyển biến về mức sống của người nghèo và xác định đối tượng cần trợ giúp cũng như đánh giá được tác động của chính sách đến người thụ hưởng một cách đầy đủ.