Không có sách của tư nhân, NXB lấy gì để sống?!

Việc cuốn sách Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng do Nhà sách Minh Thắng liên kết với Nhà xuất bản (NXB) Dân trí tái bản, thêm một lần nữa cho thấy xuất bản sách sẽ còn nhiều sai phạm nếu các NXB lệ thuộc tư nhân.
 "Miếng ngon Hà Nội" của nhà văn Vũ Bằng ấn hành lần đầu vào năm 1957
"Miếng ngon Hà Nội" của nhà văn Vũ Bằng ấn hành lần đầu vào năm 1957
Nhiều năm nay, thị trường xuất bản “trăm hoa đua nở” khi giới làm sách tư nhân được phép liên kết với các NXB nhà nước.
Những cuốn sách liên kết dạng này được các NXB gọi là sách kế hoạch B, nghĩa là tư nhân chuẩn bị bản thảo hoàn chỉnh và NXB thẩm định rồi cấp phép ấn hành.
Thế nhưng, khi một cuốn sách có thể xin phép được ở nhiều NXB thì sự việc lại diễn biến khác. Nếu cuốn sách này không được NXB A cấp phép thì tư nhân có thể mang cuốn sách đó qua NXB B. Hiểu một nghĩa nào đó, việc cấp giấy phép cũng như một loại… thị trường mua và bán.
Thậm chí, nhiều trường hợp tư nhân thấy giấy phép ở NXB A thu nhiều tiền hơn NXB B, ngay lập tức có cuộc mặc cả, miễn làm sao có lợi nhất. Trong khi xuất bản sách không đơn thuần là câu chuyện thương mại như các loại hàng hóa khác.

Trở lại cuốn sách Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng do Nhà sách Minh Thắng đầu tư tái bản. Cuốn sách này do Nhà sách Minh Thắng thực hiện được lấy từ bản in năm 1960 do Nam Chi Tùng Thư ấn hành tại Sài Gòn.
Bản in năm 1960 này được tái bản từ nội dung bản in năm 1957 của NXB Đất Nước, nhưng thêm phần phụ lục với hai bài báo phê bình Miếng ngon Hà Nội. Nội dung một trong hai bài phê bình này xuyên tạc Miếng ngon Hà Nội và tư cách của nhà văn Vũ Bằng.
Với những nội dung như thế, khi tái bản phải được Nhà sách Minh Thắng biên tập. Thực tế, bản thảo được NXB Dân Trí biên tập cũng không có nội dung xuyên tạc như thế.
Nhà sách Minh Thắng giải thích rằng: “Lúc thực hiện bản thảo Miếng ngon Hà Nội chúng tôi đã biên tập nội dung này nhưng khi đưa in thì nhân viên sơ suất lấy nhầm nội dung bản in 1960 có hai bài báo trong phần phụ lục”.
Trước đó vào năm 2012, Nhà sách Minh Thắng cũng liên kết với NXB Văn Học tái bản Miếng ngon Hà Nội. Nội dung Miếng ngon Hà Nội 2012 vẫn có phần phụ lục với hai bài báo và đoạn nội dung xuyên tạc giống như bản in 2017 do NXB Dân Trí cấp phép.
Tại bản in 2012, khi phát hiện đoạn nội dung trên, thay vì thu hồi sách thì Nhà sách Minh Thắng đã “linh động” dùng một miếng giấy dán đè lên phần nội dung xuyên tạc đó và tiếp tục phát hành ra thị trường.
Nói thế để thấy sự “tiết kiệm” đến mức tối đa, miễn làm sao đảm bảo doanh thu và lợi nhuận của nhiều tư nhân, hơn là quan tâm đến nội dung cuốn sách đó như thế nào.

Thực tế lâu nay, nhiều NXB lệ thuộc vào nguồn sách kế hoạch B, nên khi không có sách của tư nhân đem đến thì NXB… không biết làm gì và lấy gì để sống. Sự lệ thuộc này đã khiến nhiều NXB từ vị trí chủ động được toàn quyền cấp phép hay từ chối cấp phép, trở thành đơn vị làm thuê cho các công ty sách tư nhân.
Thực tế lâu nay, nhiều NXB lệ thuộc vào nguồn sách kế hoạch B, nên khi không có sách của tư nhân đem đến thì NXB… không biết làm gì và lấy gì để sống.
Thậm chí trong giới xuất bản sách nói với nhau, có nhiều công ty sách tư nhân không cần nộp bản thảo cho NXB vẫn có thể lấy được giấy phép thông qua một cuộc điện thoại?!
Với tình trạng bị tư nhân chi phối như thế, nhiều NXB không thể kiểm soát nội dung và thể hiện vai trò của mình, nên sách liên kết còn sai phạm dài dài.
Để tránh tình trạng này, nhiều NXB đã luôn chuẩn bị nguồn sách kế hoạch A, tức sách do NXB đầu tư hoàn toàn. Chẳng hạn như NXB Trẻ, đơn vị này hàng năm đưa ra thị trường sách hàng trăm đầu sách kế hoạch A và sẵn sàng từ chối sách kế hoạch B nếu cuốn sách chưa đủ chất lượng.
Nhưng những đơn vị như NXB Trẻ hiện nay không nhiều, khi mà các NXB đa phần kêu than thua lỗ. Mà lỗ cũng phải, vì lệ thuộc quá nhiều vào nguồn thu là giấy phép cấp cho các công ty sách tư nhân; trong khi chính các NXB lại sẵn sàng “hạ giá” giấy phép thì bảo sao không trở thành “kẻ làm thuê” trông chờ vào sự “trả lương” của người khác.
Trong giới xuất bản sách nói với nhau, có nhiều công ty sách tư nhân không cần nộp bản thảo cho NXB vẫn có thể lấy được giấy phép thông qua một cuộc điện thoại?!

Cần môi trường xuất bản lành mạnh

Theo báo cáo của Bộ Thông tin Truyền thông (Bộ TT-TT), 90% vi phạm trong lĩnh vực xuất bản hiện nay bắt nguồn từ hoạt động liên kết xuất bản và bởi vậy việc chấn chỉnh, củng cố các đơn vị xuất bản  được xem là trọng tâm hàng đầu.
Một số biện pháp mạnh đã được thực hiện như vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã có quyết định giải thể NXB Phương Đông kể từ ngày 1-7-2017.  

Thế nhưng, việc giải thể, đóng cửa các NXB cũng không đơn giản khi mà tiêu chí để đánh giá một NXB thường quy về hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, theo Bộ TT-TT, NXB là cơ quan văn hóa, tư tưởng đặc thù… không thể đánh đồng với các hoạt động kinh doanh hàng hóa thông thường khác. Hiện nay, nền xuất bản Việt Nam đang bị xem là có sự mất cân đối trầm trọng, đa số thị trường sách tập trung vào các trung tâm đô thị lớn, sầm uất, trong khi đó các vùng sâu, vùng xa hầu như vắng bóng văn hóa đọc. Việc đầu tư, hỗ trợ cho các NXB vẫn mang tính cào bằng, thiếu đi sự đầu tư, quan tâm đúng đắn cho đặc thù văn hóa đọc của từng vùng. Vừa qua, trong kết luận của Ban Bí thư về việc thực hiện Chỉ thị số 42 - CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản cũng đã chỉ rõ một trong nguyên nhân chính dẫn đến các khuyết điểm, yếu kém của hoạt động xuất bản hiện nay là: “Một số cơ quan chỉ đạo, quản lý chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính đặc thù của hoạt động xuất bản, chưa có giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển”.

Mở hay đóng cửa một NXB không phải là một việc khó khăn, cái khó là làm thế nào để một NXB thực sự phát huy vai trò là nòng cốt xây dựng văn hóa đọc chứ không phải tự biến mình thành công cụ cho các đơn vị tư nhân mặc sức thao túng. Đó lại là trách nhiệm chung từ bản thân NXB đến của các cơ quan chủ quản và các đơn vị quản lý.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục