Liên quan đến 2 quy định trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của bia, rượu không được Quốc hội biểu quyết tán thành (không quá bán), khiến dư luận hiểu lầm là Quốc hội không ủng hộ, chiều 10-6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi đã chủ trì cuộc họp báo để “nói cho rõ”…
Câu hỏi được báo giới cũng như dư luận hiện nay rất quan tâm, liên quan đến việc đại biểu Quốc hội không tán thành quy định cấm uống bia rượu khi lái xe là có tình trạng doanh nghiệp sản xuất rượu bia “lobby”, có biểu hiện “lợi ích nhóm” tác động tới các đại biểu để không nhất trí thông qua quy định cấm uống bia rượu khi lái xe không?
Trước câu hỏi này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ rằng, không có khi nào làm luật lại có nhiều ý kiến như vậy. Theo ông Lợi, điều quan trọng là phải vì lợi ích của tất cả các bên. “Không phải vì anh sản xuất yêu cầu thế này mà mình làm theo”- ông Lợi nói.
Ở đây chúng tôi phải tính phương án cân bằng tất cả các bên. 13 cơ quan gửi văn bản tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban, cuối cùng chúng tôi đều phải tập hợp lại. Hôm chót họp ủy ban, chúng tôi phải dành 1 buổi sáng để họp với tất cả các chuyên gia, bộ ngành và 13 cơ quan có ý kiến thì chúng tôi thấy cơ bản là đồng tình. Tuy nhiên, vừa rồi vẫn có cơ quan nghe thông tin việc này việc kia, chuyện này là bình thường. Quan trọng là giữ được kỷ cương để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng chăm sóc sức khỏe người dân, điều đau lòng là những tháng vừa qua, do tình trạng lạm dụng rượu bia nên ảnh hưởng tới nhân dân.
Tuy nhiên, trước câu hỏi về việc có thông tin có đại biểu được doanh nghiệp rượu bia mời đi tham quan ở châu Âu, có quy định nào để phòng ngừa các nhóm lợi ích sử dụng những “chiêu” như vậy để tác động tới nhóm lợi ích, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Tôi cũng được người ta đặt trong nhóm vận động cho lợi ích. Nhưng rất tiếc, tôi không phụ trách trực tiếp luật này. Rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mời tôi chủ trì các hội thảo, tôi chưa dự cuộc nào cả” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
Ông nói thêm, “về mặt nguyên tắc, anh không được để các cơ quan lợi ích nhóm mời anh đi để mang tính chất là "lobby". Còn nếu đi nghiên cứu thì Bộ Y tế mời, chúng tôi có cử ủy viên thường trực đi, nhưng đi với tư cách nghiên cứu chính sách, nếu anh đi theo cái cách doanh nghiệp mời mà không phải nghiên cứu chính sách thì Quốc hội cũng không cho phép”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc bổ sung trước câu hỏi của báo giới. Ông nói rằng, nếu có thì có thể có một vài người đi, gọi là khảo sát, chứ làm sao "lobby" được hơn 500 đại biểu Quốc hội.
Theo ông, quy trình xây dựng văn bản pháp luật là rất chặt chẽ, có quy trình, “anh có muốn cũng không được” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Chắc không có việc như thế”.