Thông tin từ cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT-TT, chiều 5-6, cho biết, sau 3 lần tổ chức đấu giá, không có nhà mạng di động nào tham gia đấu giá tần số 4G và 5G.
Cụ thể, trong các ngày 15-5, 25-5 và 2-6 vừa qua, Bộ TT-TT đã tổ chức đấu giá băng tần 2300MHz, gồm 3 khối băng tần A1(2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz). Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 là đấu giá không thành.
Quang cảnh cuộc họp báo của Bộ TT-TT với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm |
Trước đó, ngày 24-2-2023, Bộ TT-TT ban hành và thông báo công khai về Phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số đối với băng tần 2300MHz. Đã có 4 doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ là VNPT, Viettel, MobiFone và Vietnamobile được Bộ TT-TT cấp giấy xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá. Theo quy định của Nghị định 88/2021/NĐ-CP, chỉ có doanh nghiệp được Bộ TT-TT xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá mới được nộp hồ sơ tham gia vòng đấu giá.
Theo công bố của Cục Tần số vô tuyến điện, giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng. Cụ thể đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm. Với giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng cho mỗi khối băng tần và thời hạn sử dụng là 15 năm, mỗi nhà mạng sẽ trả phí tần số trên lý thuyết ít nhất là 386 tỷ đồng/năm.