Hỏi: Có người nói không có năm Giáp Mùi, Quý Ngọ. Có đúng không?
Lê Quý Mùi (Minh Hòa, Dầu Tiếng, Bình Dương)
Tên của năm Âm lịch có hai yếu tố: Yếu tố đầu là 1 trong 10 thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý), yếu tố sau là 1 trong 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi (Vị), Thân, Dậu, Tuất, Hợi).
Trong thực tế, 5 can Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm chỉ kết hợp với 6 chi Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất và tạo ra 30 tên năm Âm lịch ; 5 can Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý chỉ kết hợp với 6 chi Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi và tạo ra 30 tên năm Âm lịch. Tổng cộng có 60 tên năm Âm lịch. Không có các năm Giáp Mùi, Quý Ngọ… Sau 60 năm, tên năm Âm lịch trở lại như cũ (ví dụ: các năm 1945, 2005, 2065… đều là “năm Ất Dậu”). Chu kỳ 60 năm được gọi là một hoa giáp.
Vì chỉ có 60 tên năm Âm lịch nên nếu chỉ ghi một sự kiện nào đó xảy ra trong năm Kỷ Tỵ thì không ai biết là năm Kỷ Tỵ nào, vì cứ 60 năm lại có một năm Kỷ Tỵ. Do đó, các nhà chép sử ngày xưa phải ghi thêm niên hiệu của các vua (năm Kỷ Tỵ, Trị Bình Long Ứng năm thứ năm). Ngày nay, ta phải đối chiếu năm Âm lịch để tìm ra năm Dương lịch.
Trị Bình Long Ứng là niên hiệu của vua Cao Tông nhà Lý, được dùng từ năm Ất Sửu 1205 đến năm Canh Ngọ 1210. Vậy Trị Bình Long Ứng năm thứ năm là năm Kỷ Tỵ 1209.
Hoàng Anh