Cụ thể, lái xe và người trên xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 sẽ được qua chốt kiểm soát bình thường. Nhưng với việc vận chuyển hàng hóa còn có một phương án dự phòng là nếu lái xe chở hàng không có kết quả xét nghiệm thì có thể thay đổi lái xe tại chốt kiểm soát tại khu vực giáp ranh 2 địa phương,
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho việc đi lại, nhất là tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, Sở GTVT TPHCM cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm liên thông dữ liệu xét nghiệm trên toàn quốc. Cụ thể, sau khi có kết quả xét nghiệm thì có mã QR và ở đâu cũng có thể quét, kiểm tra thông tin.
Trước đó, trong buổi giao ban trực tuyến với TPHCM vào ngày 5-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu TPHCM phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TPHCM nhưng không để hàng hóa bị ách tắc.
Cũng liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa khi 3 chợ đầu mối của TPHCM tạm dừng hoạt động, Sở Công thương TPHCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, đảm bảo nhu cầu của người dân TPHCM.
Cụ thể, tối 6-7, UBND TP Thủ Đức có thông báo tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, kể từ 8 giờ ngày 7-7 cho đến khi có đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, UBND quận 8 đã thông báo tạm dừng hoạt động chợ đầu mối Bình Điền, kể từ 8 giờ ngày 6-7. Trước đó nữa, UBND huyện Hóc Môn đã tạm dừng hoạt động chợ đầu mối Hóc Môn.
Theo thống kê, lượng hàng hóa về TPHCM hiện vào khoảng 6.000 tấn /ngày, giảm 3.000 tấn/ngày so với trước. Các kênh phân phối hiện đại, trung tâm, siêu thị có chuỗi cung ứng hàng hóa riêng không qua chợ đầu mối. Sở Công thương TPHCM dự báo, sản lượng hàng hóa của các kênh này sẽ tăng 50-100%, gánh cho lượng hàng hóa ở các chợ đầu mối.
Khi các chợ đầu mối dừng hoạt động, các tiểu thương được hướng dẫn kinh doanh không qua giao tiếp trực tiếp mà thông qua internet, điện thoại cùng các phương tiện khác.
Đồng thời, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về TPHCM phải theo hướng dẫn của ngành giao thông, y tế để đảm bảo an toàn với dịch bệnh.
Cụ thể, TPHCM bố trí 3 vị trí tại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức là vùng đệm của TPHCM với các tỉnh, làm nơi các chành hàng, chủ hàng trao đổi tài xế tiếp tục vận chuyển hàng hóa. Nếu không thì sẽ thực hiện lên xuống hàng hóa tại khu vực không tiếp giáp với khu dân cư để tuân thủ yêu cầu giãn cách.
Về hệ thống phân phối, Sở Công thương TPHCM có thống kê theo từng địa bàn. Như vậy, tại mỗi quận huyện và TP Thủ Đức sẽ có thông báo về những điểm nào (chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa có cung ứng thực phẩm…) đang hoạt động. Đồng thời, Sở Công thương TPHCM làm việc với Saigon Co-op, Satra, Vissan cùng các đơn vị phân phối hiện đại chuẩn bị phương án hỗ trợ điểm bán cho người dân, nếu địa phương yêu cầu.
Giám đốc Sở Công thương TPHCM cũng khẳng định đã rà soát các đầu mối, nguồn cung và đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho hơn 10 triệu người dân TPHCM.