Không có điểm ưu tiên mới là không công bằng

Trong đợt tuyển sinh cao đẳng - đại học năm nay, xuất hiện hiện tượng một số thí sinh đạt điểm rất cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng vào trường và ngành mình yêu thích. Từ đó, có ý kiến cho rằng cần phải xem lại chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh khi xét tuyển. Nên thực hiện thế nào? Báo SGGP giới thiệu ý kiến của bạn đọc về vấn đề này. 
Các học sinh hộ nghèo người dân tộc Chăm ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nhận học bổng của Báo SGGP. Ảnh: VÂN KHANH
Các học sinh hộ nghèo người dân tộc Chăm ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nhận học bổng của Báo SGGP. Ảnh: VÂN KHANH

Nên giảm thiểu các bất hợp lý

Theo quy chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo, điểm ưu tiên cao nhất là 2 điểm, áp dụng cho các đối tượng cần thiết được sự ưu tiên. Chẳng hạn, đối tượng là người dân tộc thiểu số thường trú tại miền núi, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo - những nơi phải chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi, không chỉ trong việc học mà còn trong đời sống kinh tế, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa…
Một học sinh dù có tư chất tốt, chăm chỉ học tập, nhưng rõ ràng khó theo kịp học sinh có năng lực tương tự sống ở đô thị, bởi điều kiện, phương tiện học tập, môi trường học tập đều thua kém. Điểm ưu tiên chính là để bù vào sự thiệt thòi đó. Hay những trường hợp là quân nhân, công an nhân dân vì thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện khó khăn, chịu hy sinh mất mát và đi học đại học muộn hơn người khác, thì hoàn toàn xứng đáng được ưu tiên. Hoặc con liệt sĩ, con thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, đã thiệt thòi rất lớn, thường khó được chăm sóc đầy đủ và chu đáo như những người khác.
Đây không chỉ là quy định có tính bảo đảm sự công bằng giữa các nhóm đối tượng của pháp luật, mà còn thực sự là đạo lý của dân tộc ta. Các đối tượng và khu vực được ưu tiên khác cũng trên tinh thần tương tự. Nếu không có điểm ưu tiên mới là không công bằng, nhất là khi nhìn tổng thể trên diện rộng, chứ không phải so sánh cụ thể một vài trường hợp. 
Tuy nhiên, cách tính ưu tiên hiện nay không phải là hợp lý hoàn toàn. Thực tế đã có những trường hợp “chạy hộ khẩu” để được thường trú ở khu vực ưu tiên cao nhất có thể. Hoặc có trường hợp thí sinh thường trú ở khu vực ưu tiên cao nhưng học ở trường tại đô thị, lại được cộng điểm ưu tiên cao hơn thí sinh khác học ở trường vùng nông thôn...
Rõ ràng chính sách điểm ưu tiên trong tuyển sinh xét trên nhiều mặt là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để giảm thiểu các bất hợp lý, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần nghiên cứu kỹ để có quy định phù hợp hơn. Chẳng hạn, mức điểm ưu tiên giữa 2 khu vực kế tiếp nhau có thể từ 0,5 điểm hiện nay giảm xuống còn 0,25 điểm; mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; cần xem xét cả yếu tố nơi học và nơi thường trú chứ không chỉ nơi thường trú. Đồng thời, cũng nên giảm dần đối tượng ưu tiên, nhất là các đối tượng quá cá biệt, rất ít xảy ra trong thực tế.
TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)

Điều chỉnh về mặt kỹ thuật

Trong giáo dục nói riêng hoặc trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nhiều quốc gia thực hiện các chính sách dành một số ưu tiên cho các nhóm dân số yếu thế trong xã hội. Chẳng hạn như có một số ưu đãi nào đó cho các sắc dân thiệt thòi hoặc những người dân sống ở những vùng khó khăn. Chính sách ưu tiên cộng điểm của nước ta cũng nằm trong chiều hướng đó, bởi Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và hiện đang có sự phát triển không đồng đều về các chỉ số kinh tế - văn hóa - xã hội giữa một số dân tộc đa số và nhiều dân tộc thiểu số, cũng như giữa các vùng địa lý khác nhau. 
Theo kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2014, tỷ lệ dân số có trình độ cao đẳng - đại học ở thành thị là 17,4%, trong khi ở vùng nông thôn chỉ có 4,4%. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sống ở vùng dân tộc và miền núi; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở các khu vực này rất cao, chiếm khoảng 87% dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các số liệu đó cho thấy thực tế vẫn đang tồn tại những bất bình đẳng rất lớn giữa các dân tộc và giữa các vùng miền. Sự bất bình đẳng ấy không phải vì học sinh ở vùng sâu, vùng xa hay học sinh thuộc các dân tộc thiểu số lười học, mà vì điều kiện học tập, điều kiện kinh tế gia đình, thậm chí là sự khác biệt về văn hóa, dẫn đến thành tích học tập không tốt như các học sinh có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. 
Việc một số học sinh có điểm cao mà vẫn trượt nguyện vọng 1 là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, ta có thể điều chỉnh lại về mặt kỹ thuật cho lần tuyển sinh kế tiếp, chứ không thể vì thế mà bãi bỏ chính sách ưu tiên trong giáo dục hiện hành. Tất nhiên, chúng ta cũng cần đánh giá lại về chính sách ưu tiên trong giáo dục, như phải xem lại các vùng miền đang được hưởng ưu tiên, xem vùng nào tiếp tục được hưởng, vùng nào không được tiếp tục do đã có sự phát triển cao về kinh tế - xã hội so với trước đây. 
LÊ MINH TIẾN (giảng viên Đại học Mở TPHCM)

Tin cùng chuyên mục