- PHÓNG VIÊN: Năm nào cũng vậy, việc xét tặng danh hiệu cao quý của nhà nước dành cho các nghệ sĩ luôn ồn ào với “đơn từ, khiếu nại, đặc cách, bổ sung”. Hiện tượng này có tiếp tục lặp lại trong mùa xét giải này không, thưa ông?
- Ông PHÙNG HUY CẨN: Với danh hiệu NNND, NNƯT, đến thời điểm này Bộ VH-TT-DL nhận được hơn 830 hồ sơ của 61 tỉnh, thành phố; trong đó 103 hồ sơ NNND, hơn 700 NNƯT và đây là lần đầu tiên tổ chức xét tặng danh hiệu NNND.
Việc xét danh hiệu nghệ nhân do có tính khu biệt của từng loại hình di sản, giá trị văn hóa vùng miền, nên khi lập hội đồng đã tính đến cơ cấu vùng miền, như phải có nhà văn hóa, nhà nghiên cứu phía Nam hiểu đờn ca tài tử, rồi văn hóa Tây Nguyên, Tây Bắc…
Trong một hội đồng, phải có nhiều gương mặt để phản biện. Hầu hết các nghệ nhân tuổi đã cao, mà nếu xét theo cảm tính thì các cụ đã được trao danh hiệu này từ lần xét tặng NNƯT rồi, bởi số năm gìn giữ, thực hành, truyền dạy có người lên đến 60-70 năm.
Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH-TT-DL
Riêng việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, đến nay có hơn 40 tỉnh, thành phố, ngành gửi hồ sơ xét tặng theo 5 lĩnh vực: âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh và phát thanh truyền hình. Đây là lần thứ 2 xét danh hiệu nghệ sĩ theo tinh thần Nghị định 89 (xét 3 năm/lần và một số thay đổi khác về thành tích huy chương), lại tiếp tục rộ lên một số trường hợp có khúc mắc ở hội đồng cơ sở, nhất là ở các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT-DL và Hà Nội.
Cụ thể, trường hợp NSƯT Chí Trung, hiện anh đang nắm vị trí Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, đơn vị thuộc Bộ VH-TT-DL, nên việc đề nghị xét tặng danh hiệu đối với nghệ sĩ này phải do nhà hát trình lên hội đồng của bộ.
Tuy nhiên, hồ sơ của anh Chí Trung lại không có, vì thế sẽ không xem xét danh hiệu trong đợt này. Còn đối với trường hợp rút hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của NSƯT Xuân Bắc, kèm đơn đề nghị xin rút hồ sơ xét tặng của cá nhân nghệ sĩ này, không phải là bất ngờ.
Thực tế, hồ sơ này sau khi chiếu theo các tiêu chí được áp dụng thì chưa đáp ứng đầy đủ. Thêm nữa, xét về quyền công dân, nghệ sĩ hoàn toàn có thể làm việc đó và chúng tôi tôn trọng. Đến nay, về cơ bản là chưa có đơn từ khiếu nại.
- Trường hợp các nghệ sĩ đã không còn hoạt động trong các cơ quan, tổ chức được xét tặng danh hiệu trong lần này có thể gọi là đặc cách không?
- Vừa qua, dư luận cho rằng Hà Nội đặc cách xét tặng NSƯT Trần Ngọc Hạnh (Trần Hạnh) là không chính xác. Tôi khẳng định, theo nghị định mới, việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ không có đặc cách. Từ đặc cách trong từ điển tiếng Việt phải được hiểu đúng: Đặc cách là trường hợp đặc biệt và bỏ qua một bước nào đó thì gọi là đặc cách.
Trường hợp của nghệ sĩ Trần Hạnh làm đúng các quy trình xét tặng, hồ sơ đạt 90% số phiếu ở hội đồng chuyên ngành, mặc dù nghệ sĩ Trần Hạnh thiếu giải thưởng nhưng vẫn có tên trong danh sách hội đồng cấp Nhà nước. Thế nên, trong việc dùng từ, nếu không chính xác rất dễ gây tổn thương cho nghệ sĩ.
- Một số ý kiến cho rằng, 3 năm xét tặng danh hiệu 1 lần liệu có phải là dễ dãi không, thưa ông?
- Khi thay đổi nghị định xét tặng danh hiệu nghệ sĩ từ 5 năm xuống 3 năm, chúng tôi đã suy xét nhiều mặt. Thứ nhất là để tạo động lực cống hiến cho các nghệ sĩ, thúc giục các nghệ sĩ luôn nỗ lực; tiếp đó là ở lĩnh vực xiếc và múa, tuổi đời và năm cống hiến không có nhiều cơ hội.
Nhưng nhìn vào lực lượng xét tặng lần này, rõ ràng trong 3 năm không phải dễ dàng gì để đạt được. Có nghĩa là khi xét tặng bất cứ nghệ sĩ nào, cũng dựa trên nền tảng, sự cống hiến cũng như nỗ lực vươn lên của họ. Rất hiếm các trường hợp hội đủ các tiêu chuẩn về hồ sơ như nghệ sĩ Tự Long của mùa xét tặng trước.
Vì thế, nói rằng rút ngắn thời gian để hạ tiêu chuẩn xét tặng là không chính xác. Tài năng không đợi tuổi và với những người xuất sắc, có cống hiến tốt, cũng cần được ghi nhận.
- Trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT lần này có thêm nhiều gương mặt nghệ sĩ đã nghỉ hưu?
- Đây là một trong những điểm mới trong xét tặng danh hiệu năm nay nhằm tránh việc để các nghệ sĩ bị thiệt thòi. Bộ VH-TT-DL lập hai hội đồng cơ sở ở Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Điện ảnh. Vì thế, mới có tên các nghệ sĩ như NSƯT Bùi Cường (nguyên đạo diễn Hãng Phim truyện Việt Nam, nay là Công ty CP Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam), người đã “đóng đinh” với vai diễn Chí Phèo trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy, hay NSƯT Đỗ Thị Đức (Minh Đức) xét danh hiệu NSND.
Bởi công ty đang trong quá trình thanh tra cổ phần hóa, nên không có ai đứng ra lo cho nghệ sĩ. Hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn có những nghệ sĩ như NSƯT Tô Lan Phương, NSƯT Lê Văn Hà, NSƯT Phạm Quang Huy, giờ đã nghỉ hưu nhưng đã có những cống hiến và thành tích đáng kể cho âm nhạc và sân khấu.
- Theo đúng lộ trình, việc trao các danh hiệu sẽ được tổ chức trao vào dịp Quốc khánh 2-9?
- Theo thông lệ như vậy, nhưng 2 lần xét tặng trở lại đây, tiến độ đã không thực hiện được và năm nay chắc chắn cũng không kịp. Dự kiến trong tháng 5, hội đồng cấp bộ tiến hành họp xét trong vòng 10 ngày, sau đó trình cấp hội đồng Nhà nước rồi chuyển tới Văn phòng Chính phủ, sau đó chuyển sang Chủ tịch nước ký quyết định. Nếu thuận lợi sẽ tổ chức trao trước Tết nguyên đán 2019.