Thêm nhiều thương vụ M&A
Hai năm gần đây, khi làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại tạm lắng xuống, thì người ta lại chứng kiến một cuộc đua mới trong phân khúc bán lẻ khác là CHTL và cửa hàng 24h.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 4-2019, một thương vụ hiếm thấy trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đã được thực hiện khi Công ty cổ phần Cửa hiệu và sức sống (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go) đề nghị nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 CHTL đang hoạt động cho Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (thuộc Tập đoàn Vingroup), chỉ với giá 1USD.
Đại diện Shop&Go cho biết, dù đầu tư nhiều vào hệ thống bán lẻ này nhưng kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng, nên quyết định rút lui bằng việc nhượng lại cho một đơn vị có tiềm lực hơn.
Tương tự, Công ty TNHH GS25 Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn GS Retail Hàn Quốc và Tập đoàn Sơn Kim Land) cũng đang hoàn tất những thủ tục cần thiết để tiếp nhận chuỗi CHTL Zakka Mart do Công ty cổ phần Zakka quản lý. Tính đến thời điểm hiện tại, Zakka Mart có 49 cửa hàng, chủ yếu hoạt động bên trong các tòa nhà chung cư tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội. Giá trị thương vụ M&A vẫn đang được giữ kín, dự kiến trong tháng 5-2019 sẽ thực hiện xong để chuyển giao cho GS 25 Việt Nam.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà kinh doanh, cuộc đua mở CHTL dự báo sẽ còn rất khốc liệt.
Theo số liệu thống kê không chính thức, tính đến hết quý 1-2019, tại TPHCM hiện có khoảng 15 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang quản lý các chuỗi CHTL có số lượng lớn, với các thương hiệu phổ biến như 7- Eleven, Circle K, GS25, Lawson, Giant, Medicare, Vinmart+, Co.op Food, Satrafood, Bách Hóa Xanh…
Bên cạnh việc thực hiện các thương vụ M&A, các nhà kinh doanh hiện hữu cũng không ngừng mở các điểm bán mới. Tại buổi làm việc với Sở Công thương TPHCM vào đầu tháng 4-2019, đại diện Vincommerce cho biết, năm 2019 đơn vị này đã lên kế hoạch phát triển thêm 1.000 điểm bán mới, nhằm thực hiện chiến lược phát triển và bao phủ thị trường ở khu vực phía Nam.
Để đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt hiện tại của thị trường bán lẻ, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) xác định, sẽ tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực chính là phát triển mạng lưới, hàng hóa và logistics, xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Cụ thể, đến cuối năm 2019, Saigon Co.op sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới tất cả các mô hình, phấn đấu đạt 1.000 điểm bán trên cả nước, trong đó số lượng siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, trung tâm thương mại và phân khúc cao chiếm gần 1/4, còn lại là hệ thống các cửa hàng CHTL như Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers…
Dư địa lớn nhưng không dễ làm
Có thể khẳng định, sự đầu tư và phát triển mạnh mẽ của chuỗi các CHTL đã và đang làm thay đổi cơ bản “bộ mặt” phố phường cũng như ngành thương mại thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy vậy, theo tính toán của các cơ quan chức năng, số lượng các cửa hàng hiện hữu vẫn chưa đáp ứng tốt so với thực tế. Hiện có khoảng 60.000 người dân Việt mới có một cửa hàng tiện ích, trong khi tỷ lệ này ở Philippines là 37.000 người, Trung Quốc 21.000 người, Thái Lan 5.556 người, Hàn Quốc 1.800 người.
Giám đốc của một trong những doanh nghiệp (DN) bán lẻ hàng đầu tại TPHCM cũng “bật mí” khi cho biết doanh thu từ khu vực các CHTL hiện tăng ổn định ở mức 50%, thậm chí có thời điểm tăng đến 100%, gấp nhiều lần so với mảng kinh doanh siêu thị.
Dư địa phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại này còn rất lớn, song không phải DN bán lẻ nào cũng có điều kiện để đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối và thành công. Nguyên nhân chính là do lĩnh vực phân phối hiện đại tại Việt Nam còn chiếm tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực, nên đã trở thành tâm điểm để thu hút đầu tư của các tập đoàn nước ngoài.
Tại nhiều mặt bằng có vị trí tốt liên tục được các đối tác săn đón nên đã đẩy giá thuê tăng bình quân khoảng 300% so với 5 - 7 năm trước đây. Giá thuê nhà liên tục biến động nên việc mở thêm các CHTL mới của các đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho hay cùng với việc phát triển chuỗi các trang trại chăn nuôi và đa dạng hóa các sản phẩm, công ty cũng tập trung đầu tư cho chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhưng đến nay mới chỉ phát triển được hơn 20 điểm bán, hầu hết là ở những vị trí ít thuận lợi. Trong khi đó, các DN sản xuất trong nước vốn ít, năng lực cạnh tranh còn yếu, lại kinh doanh các sản phẩm có mức lãi gộp rất ít, dẫn đến “khó chồng khó”.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhìn nhận tiềm năng thị trường còn rất lớn. Nhưng cái khó trong lĩnh vực kinh doanh CHTL là khâu tổ chức cung ứng hàng hóa, logistics và quản trị. Vấn đề này thì DN có vốn đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm hơn DN Việt, bởi họ vừa có chuỗi cửa hàng tự đầu tư, vừa có kinh nghiệm trong nhượng quyền cửa hàng.
DN phải phát triển nhiều cửa hàng mới giảm được chi phí quản trị, vận hành. Vì vậy, giai đoạn đầu DN phải chấp nhận chịu lỗ để mở rộng mạng lưới phân phối. Về quản trị và sử dụng lao động, DN phải kết hợp vừa đầu tư cửa hàng vừa đẩy mạnh việc nhượng quyền, phát huy tính gọn nhẹ trong quản lý, điều hành cửa hàng, tức là phải giải quyết đồng bộ được bài toán trên mới có thể phát triển mô hình này hiệu quả, bằng không sẽ rất khó phát triển bền vững.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi CHTL phải mất ít nhất là 3 - 4 năm mới có thể hoàn vốn. Để đạt được mức lợi nhuận ổn định, chủ đầu tư phải mở ít nhất 300 cửa hàng và điều tiên quyết là mặt bằng phải ký thuê 7 - 10 năm. Nếu điểm bán nào không đáp ứng tiêu chí thuê trong thời gian này, cầm chắc sẽ bị lỗ. Điều này có thể lý giải tại sao các nhà kinh doanh phải đặt mình vào cuộc đua khốc liệt để mở điểm bán. |