Không có cơ sở xác định ống nước sông Đà có độ bền 50 năm

Ngày 9-3, phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố nhiều lần vỡ ống nước sông Đà - Hà Nội đã tiếp tục tranh tụng. Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố đã nêu quan điểm đối đáp ngay sau khi các luật sư bào chữa cho các bị cáo.
 Đường ống nước sông Đà bị vỡ đang được lực lượng chức năng khắc phục.
Đường ống nước sông Đà bị vỡ đang được lực lượng chức năng khắc phục.
Theo đó, đại diện cơ quan tố tụng khẳng định, có đủ căn cứ xác định các lần vỡ ống nước sông Đà có nguyên nhân do chất lượng ống không đảm bảo. Lý giải về nhận định này, đại diện viện kiểm sát nêu rõ, trong vụ án này, Bộ Xây dựng đã giao cho Cục Giám định nhà nước thực hiện giám định về chất lượng công trình xây dựng, cũng như thực hiện các quy định giám định, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã trưng cầu giám định của Bộ Xây dựng, trong đó có giám định nguyên nhân vỡ ống. Sau khi giám định, Bộ Xây dựng đã có kết luận giám định tư pháp về nguyên nhân chính gây vỡ tuyến ống là do chất lượng ống không đảm bảo, không có cơ sở xác định độ bền ống 50 năm. 
Về hành vi của các bị cáo, cơ quan tố tụng xác định các bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội) đã không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng công trình. 
Vì vậy, khi ký kết hợp đồng kinh tế với nhà thầu cung cấp ống composite cho dự án đã không yêu cầu chi tiết quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm mà nhà thầu cung cấp, đồng thời không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra theo quy định.
Không có cơ sở xác định ống nước sông Đà có độ bền 50 năm ảnh 1 9 bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án vỡ đường ống nước sông Đà - Hà Nội
Bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội) và bị cáo Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội) được giao nhiệm vụ mua sắm thiết bị cho dự án đã không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phần thí nghiệm sản phẩm composite cung cấp cho dự án khi sản phẩm không đúng với tiêu chuẩn. Từ đó xác định, các bị cáo Trung, Hiển đã ký 73 biên bản nghiệm thu, trong đó 2 bị cáo này chịu trách nhiệm toàn bộ tuyến ống truyền tải nước bị vỡ 18 lần với 23 cây ống. 
Đáng chú ý, trong phần bào chữa trước đó, các luật sư cho rằng trong vụ án này không có thiệt hại. Tuy nhiên, đối đáp lại, đại diện viện kiểm sát cho rằng, theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đơn vị vận hành đã phải chi phí cho việc khắc phục sự cố vỡ ống là hơn 16,6 tỷ đồng. Đơn vị khai thác dự án phải dừng cấp nước để thi công đoạn ống bị vỡ với tổng thời gian ngừng cấp nước là 386 giờ và lượng nước ngừng cấp là hơn 1,7 triệu m³, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn thủ đô. Việc vỡ ống đã gây ra thiệt hại nhưng đơn vị khai thác dự án đã có văn bản không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường với lý do là đã dùng nguồn tiền dự phòng để khắc phục.

Tin cùng chuyên mục