Chiều 31-10, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021, ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) dẫn lại những con số trong báo cáo về thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước; quản lý đất đai tại các lâm trường; các dự án chậm tiến độ, dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, dự án dang dở gây thất thoát, lãng phí và cho rằng, báo cáo giám sát cũng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội của đất nước ta hiện nay. Vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?, ĐB Lê Hữu Trí nêu.
ĐB Lê Hữu Trí cũng đề nghị đoàn giám sát Quốc hội bổ sung nội dung lãng phí chưa được đề cập trong báo cáo đó là vấn đề sách giáo khoa các cấp học phổ thông đã gây ra sự lãng phí lớn của xã hội cần được xem xét sửa đổi một cách nghiêm túc. Vấn đề này có nhiều bức xúc cho xã hội từ nhiều năm nhưng càng đổi mới chương trình giảng dạy thì lãng phí cho xã hội nhiều hơn và gây ra càng nhiều hơn sự bức xúc của xã hội. Đây cũng là ý kiến bức xúc của một số ĐBQH khi đề cập đến việc lãng phí sách giáo khoa.
Đáng chú ý, ĐB Lê Hữu Trí cho rằng việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chưa nghiêm, sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật, chính sách, biện pháp tổ chức THTK, CLP chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả. “Điều quan trọng cốt lõi hơn là Đảng và Nhà nước cần có chiến lược xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc hiệu quả dù là việc nhỏ nhất. Điều đó gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí, thất thoát, có như thế mới tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới”, ĐB Lê Hữu Trí nêu.
Trong phát biểu của mình, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) bức xúc: tại sao trong một giai đoạn rất dài vẫn khó khăn trong việc khắc phục tình trạng lãng phí như vậy? ĐB đề xuất rà soát, khắc phục, bãi bỏ các quy định đã lạc hậu, không đồng bộ. Trước hết là các quy định về định mức, kinh tế, kỹ thuật. Nhiều định mức đã lạc hậu và kéo dài hàng chục năm, thậm chí hơn chục năm, những định mức như vậy sẽ kéo lùi sự phát triển, vì phải chi đúng, chi đủ, chi hiệu quả để phát huy sự sáng tạo và lao động của cán bộ.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa cũng đặt vấn đề: tại sao việc di chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô cũng như việc các cơ quan, ban, ngành di dời ra và trả lại trụ sở đất "vàng" vẫn khó khăn? “Rất nhiều lý do đưa ra, nào là tính lịch sử, cái gì cũng cần thời gian. Cũng có đơn vị im lặng là vàng, việc giữ đất là việc của cả làng chứ không riêng mình ai. Tất cả cứ trôi đi với thời gian và sự lãng phí nghiễm nhiên hiển hiện ở những khu phố có sự phát triển về kinh tế - xã hội, thương mại rất lớn…”, ĐB Đỗ Chí Nghĩa phát biểu. Ông cũng đặt câu hỏi rằng từ nay đến cuối năm 2022, liệu các địa phương có dám cam kết nạn đào đường ở các đô thị lớn, việc thay đá lát đường ở các vỉa hè còn tốt không diễn ra ồn ào, sôi động như “cuộc làm ăn” cuối năm hay không. Bởi yêu cầu về giải ngân cuối năm phải tiêu hết vốn, không tiêu hết vốn thì sang năm có thể bị cắt. Và như thế thì tiêu hết vốn, tiêu quyết liệt, tiêu sống còn chính là bảo đảm tương lai cho đơn vị của mình, tiêu như đổ ra sông, ra bể dù đấy là tiền dân, tiền nước…
ĐB Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng phải sớm thể chế hoá Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đừng để cán bộ phải đối diện với những thách thức, đi làm việc mà như ra trận, đi làm việc mà phải đối diện với quá nhiều áp lực và những quy định chồng chéo…