Tháng 5 rồi, giờ là lúc nghĩ chuyện đi chơi đâu, cắm trại thế nào vào mùa hè này chứ nhỉ? Ấy thế mà báo chí ở Bỉ vẫn “lôi” nhà virus học Steven Van Gucht ra để đặt những câu hỏi quan trọng về Covid-19. Và gia đình người bạn thân của tôi vừa báo chính thức bị Covid-19 “hỏi thăm” sau ba năm tưởng đã thoát cơn dịch bệnh nặng nề bậc nhất thế kỷ.
“Đầy đủ triệu chứng luôn mới mệt chứ”. Bạn nhắn tin, giải thích lý do thất hẹn vào thăm chồng tôi ở bệnh viện. Hơn một tháng nay, tôi cũng phải ra vào bệnh viện chăm chồng bệnh, thầm ngạc nhiên khi không thấy ai nhắc nhở phải đeo khẩu trang. Ở khu chăm sóc đặc biệt mấy hôm đầu, tôi còn thấy để sẵn hộp khẩu trang, giờ cũng không thấy nữa. Có vẻ ngành y đã dễ dãi hơn với Covid-19?
“Bất cứ ai thức dậy bị sốt và ho nặng đều có thể bị Covid-19” - nhà virus học Steven Van Gucht vừa trả lời báo chí như vậy. Tái khẳng định virus này chưa biến mất như chúng ta đang lạc quan và có phần sao nhãng tâm trí vào việc hè sắp về rồi. Báo cáo hàng tuần của Sciensano - Tổ chức nhà nước chuyên nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng ở Bỉ, cho biết trong khoảng thời gian từ 13 đến 19-4, có 504 ca nhiễm mới Covid-19. Nhưng con số đó không đầy đủ và không phản ánh đúng thực tế.
Đọc báo mới thấy còn nhiều độc giả rất quan tâm chủ đề này và tỏ ra thận trọng trước mùa hè hứa hẹn bùng nổ các hoạt động vui chơi giải trí tụ tập đông người. Một cụ ông 79 tuổi phàn nàn: “Tôi đến bác sĩ gia đình xin tiêm mũi vaccine tăng cường. Nhưng họ bảo tạm thời chưa được, phải có ít nhất 5 người”. Một độc giả khác chia sẻ: “Tôi vừa bị Covid-19. Cũng mệt mỏi lắm. Đấy là tôi mới 40 tuổi, khỏe mạnh và đã tiêm phòng đầy đủ”…
Có thể thời tiết nóng - lạnh bất thường vào tháng 4 vừa rồi khiến nhiều người nghi mình bị cảm lạnh, chứ không phải Covid-19, nên không đeo khẩu trang, không xét nghiệm. Từ tháng 2-2023, hầu như các cơ sở y tế cũng không bắt buộc người thăm - khám phải đeo khẩu trang nữa, trừ một số trường hợp đặc biệt. Nhưng Covid-19 kéo dài suốt ba năm qua đã tạo cho người dân ở Bỉ và nhiều nước tại châu Âu một cơ chế báo động tự động để tự phòng vệ.
Vào các diễn đàn do người địa phương lập ra, tôi thu lượm được khá nhiều lời khuyên, vừa vui vui, vừa thực tế. “Virus còn hoạt động bận rộn ở các cửa hàng đấy, và chắc chắn nó vẫn cư trú lâu dài tại máy tính tiền trong siêu thị. Vợ tôi sức khỏe yếu, cứ đi siêu thị, cửa hàng là tôi đeo khẩu trang cho chắc ăn”; “Chúng tôi vừa gây ra lỗi lớn đây này. Vợ và con của tôi dương tính, tôi không dính nên vẫn đi làm. Kết quả là tôi khiến khách hàng của mình bị lây nhiễm”.
Khi gia đình bạn thông báo bị Covid-19, chúng tôi tự hỏi cả năm nay mình bỏ quên khẩu trang ở đâu rồi ấy nhỉ. Hóa ra, chỉ cần lục túi xách, ba lô và đặc biệt là mở hộc xe hơi, những túi khẩu trang vẫn còn nằm sẵn trong đó. Dù sao, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã nhắc rồi: Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn tồn tại nhưng thế giới đang dần bước ra khỏi giai đoạn khẩn cấp vì đại dịch. Tuần này, WHO cũng sẽ công bố hướng dẫn về cách thức chuyển đổi từ giai đoạn ứng phó khẩn cấp sang giai đoạn ứng phó dài hạn đối với dịch Covid-19. Thôi lúc này, ra ngoài cứ nên có khẩu trang trong túi cho chắc ăn.