Trong đó, đáng chú ý là khuyến cáo người dân không nên trực tiếp đưa tiền cho người ăn xin, mà sự giúp đỡ nên thông qua các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức từ thiện của thành phố. Bởi nếu cho tiền trực tiếp, với tấm lòng hào hiệp của người dân thành phố thì “thu nhập” từ việc ăn xin có thể rất lớn, từ đó mà người già, trẻ em, người tàn tật có thể bị lợi dụng, bị chăn dắt. Không những thế, sẽ có những người từ địa phương khác kéo về thành phố để “hành nghề” ăn xin.
Nếu lập luận như vậy, khuyến cáo của Sở LĐTB-XH nghe qua có vẻ rất hợp lý. Nhưng suy xét cho cùng, phương án này vẫn chưa thật ổn. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên TPHCM đưa ra khuyến cáo như trên. Nhưng số người ăn xin ở khắp các nẻo đường thành phố theo cảm nhận của nhiều người dân vẫn đang “tràn lan”. Rõ ràng các giải pháp để giảm tình trạng ăn xin lang thang ở TPHCM thời gian qua đã không hiệu quả. Không cho tiền người ăn xin không phải là giải pháp căn cơ. Đồng tình rằng việc lợi dụng, chăn dắt người yếu thế đi làm công việc này là rất cần lên án, thậm chí xử lý nghiêm. Nhưng có bao nhiêu người trong số những trẻ em, người già, người tàn tật ta gặp trên đường là do chăn dắt? Bao nhiêu trong số đó là người đói khổ thật sự? Và, nếu cơ quan chức năng với đầy đủ công cụ phương tiện trong tay còn không xác định, xử lý được vấn nạn chăn dắt, thì người dân phải làm sao?
Nếu xác định việc ăn xin lang thang là không nên có ở một thành phố văn minh hiện đại, nếu có tấm lòng nghĩ tới người già, trẻ em, người tàn tật khó khăn phải được tạo cơ hội, chăm sóc, thì điều trước tiên cần làm là tìm ra những đường dây chăn dắt và xử lý thật nghiêm. Tất nhiên, đây là vấn đề xã hội quy mô lớn hơn một thành phố, rất cần phải có sự phối hợp giữa các địa phương. Những năm qua, TPHCM đã vươn mình giúp đỡ cho rất nhiều nơi khó khăn trong cả nước. Vậy thì ở những nơi có nhiều người tới TPHCM ăn xin, các tổ chức chính trị xã hội, từ thiện của thành phố cũng nên để tâm nhiều hơn. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu người ăn xin lang thang ở TPHCM.